Kiểm điểm bằng "thước đo" lượng và chất

Thứ Sáu, 28/12/2018, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày cuối năm, thời điểm bận rộn nhất ở các cơ quan, đơn vị. Đây cũng là thời điểm “nhạy cảm” khi các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết cuối năm, kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và tập thể. “Nhạy cảm” bởi việc đánh giá xếp loại ngày càng nghiêm túc, chặt chẽ và công khai, minh bạch hơn, khiến cho không ít người thuộc diện “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” phải ái ngại. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi mình, cùng tập thể nhìn nhận những cái được và chưa được trong suốt một năm công tác, qua đó khắc phục, sửa đổi.

Trước khi năm cũ 2018 khép lại, ngày 12-12 vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 26-QĐi/TU về đánh giá, xếp loại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Hướng dẫn số 09-HD/TU về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại được dựa trên các khung tiêu chí đánh giá, khung tiêu chuẩn các mức chất lượng khá chi tiết cụ thể về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc; về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, nêu rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm được lượng hóa bằng sản phẩm (nếu có); đối với đảng viên là công chức, viên chức cần làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân…

Có thể thấy, với những đổi mới trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sẽ khắc phục được những “điểm yếu” trước đây. Một tập thể, cá nhân khó nhận “hoàn thành xuất sắc” hay “hoàn thành tốt” nhiệm vụ nếu không nêu rõ được trong năm đã làm được gì, cần khắc phục gì, có yếu điểm như thế nào… Cũng có thể thấy rõ rằng, với hướng dẫn chi tiết, cụ thể về “lượng” và “chất” đợt kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm sẽ là dịp sinh hoạt chính trị, tư tưởng hiệu quả để mỗi tổ chức, cá nhân tự “soi” lại mình, rút kinh nghiệm cho một năm mới tốt đẹp hơn dựa trên những tiền đề, kết quả đã đạt được của năm cũ. Đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng này cũng là cơ hội để các cá nhân trong từng tập thể giúp đỡ lẫn nhau, chỉ ra điểm yếu, điểm mạnh để khắc phục và phát huy. 

Để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đi vào thực chất, bảo đảm công tâm, khách quan, tại Hội nghị triển khai Quy định số 26 và Hướng dẫn số 09, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp ủy Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, Ban cán sự Đảng và các cơ quan liên quan mà trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan đơn vị cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng và tác dụng tích cực về tính chiến đấu của Đảng đối với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, cầu thị, nhận xét trên tinh thần xây dựng, nói thẳng, nói thật, không né tránh, từ đó rút ra biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ. Trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, việc kiểm điểm, phân loại, đánh giá phải bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn, người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành. Nội dung kiểm điểm, đánh giá cần tập trung làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Sau kiểm điểm, các cấp ủy phải giao trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị cụ thể cho từng chi bộ bằng kế hoạch, văn bản; các chi bộ phải phân công nhiệm vụ cho các đảng viên cụ thể, thường xuyên đôn đốc thực hiện, sửa chữa những khuyết điểm, sai sót mà kiểm điểm đã chỉ ra.

Kiểm điểm toàn diện hàng năm thực sự có ích khi sau kiểm điểm, mỗi tập thể, cá nhân phải nỗ lực đưa ra giải pháp, có kế hoạch cụ thể để khắc phục điểm hạn chế, phát huy điểm tích cực; và các cơ quan chủ quản cấp trên cũng cần có sự kiểm tra, giám sát. 

SƠN TRÀ

 

;
.