Giờ ra chơi, trong lúc chạy nhảy, nô đùa, học sinh của một trường THCS trong tỉnh bị té ngã trên nền gạch, chân bị rách một vệt dài và sâu, “phòng y tế” của nhà trường không đủ trang thiết bị sơ cấp cứu nên phải chuyển em qua trạm y tế xã để khâu vết thương, xong chở về trường học tiếp.
Đó không phải là trường duy nhất gặp khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HS ở trường học. Cho đến nay, nhiều trường học trong tỉnh vẫn chưa có phòng y tế, nếu có thì trang thiết bị cũng sơ sài,
tủ thuốc của phòng chỉ có vài ba thứ như thuốc hạ sốt, dầu gió, thuốc sát trùng, mỗi khi xảy ra tai nạn, xô xát hay ốm đau đột xuất nhà trường phải chuyển học sinh lên trạm y tế xã hoặc bệnh viện.
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định mỗi trường học phải có phòng y tế riêng (YTHĐ), bảo đảm diện tích, vị trí thuận lợi cho công tác sơ cứu, cấp cứu học sinh. Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp y sĩ trở lên. Quyết định số 1221/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định, một phòng YTHĐ của trường phổ thông phải có tới 74 loại thuốc và 47 trang thiết bị thiết yếu. Quy định là vậy nhưng trên thực tế tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế chỉ đạt khoảng 50%. Cả nước chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS. Riêng tại BR-VT, số trường có tủ thuốc thiết yếu và trang thiết bị sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp. Ở cấp học mầm non chỉ đạt 68%, tiểu học đạt 88%, THCS là 80%. Số trường có phòng y tế tại trường ở cấp học mầm non cũng chỉ đạt 59,8%, tiểu học là 87%. Toàn tỉnh mới chỉ có 330/601 nhân viên y tế chuyên trách, số còn lại chủ yếu là nhân viên văn phòng, giáo viên kiêm nhiệm.
YTHĐ đang bị xem nhẹ. Đó là một thực tế và điều này đã khiến cho việc chăm sóc sức khỏe HS gặp không ít khó khăn, nhất là mục tiêu xây dựng trường học lành mạnh, an toàn.
Nguyên nhân chính là do kinh phí dành cho công tác duy trì YTHĐ còn quá ít (kinh phí hoạt động YTHĐ của các trường phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí từ nguồn đóng BHYT); Cơ sở vật chất quá nghèo nàn, thiếu thốn, người làm công tác chuyên trách YTHĐ cũng không có được chính sách đãi ngộ như một nhân viên biên chế của ngành nên người làm công tác trên cũng chưa thực sự gắn bó với công việc. Những lý do trên dẫn đến tình trạng lực lượng cán bộ chuyên trách YTHĐ luôn ở mức rất thấp, việc chăm sóc và tư vấn về sức khỏe cho HS, đặc biệt là các bệnh răng miệng, tật khúc xạ, béo phì, còi xương, suy dinh dưỡng lại càng không không thực hiện được.
Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì nhiệm vụ của YTHĐ càng trở nên quan trọng. Không chỉ có vai trò sơ cứu kịp thời những tai nạn thương tích, y tế học đường còn có nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, an toàn thực phẩm, đặc biệt là xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho HS.
Để đáp ứng nhu cầu trên, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề xuất 3 giải pháp: UBND tỉnh có chế độ chính sách hỗ trợ cho nhân viên làm công tác YTHĐ (cho hưởng mức trợ cấp y tế 30% theo lương giống như cán bộ y tế tại các cơ sở khác trên địa bàn tỉnh); Giao cho Sở GD-ĐT là đơn vị chủ trì, thường trực phối hợp với ngành y tế trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác YTHĐ trên địa bàn; Ngành Tài chính có hướng dẫn cụ thể về lập dự toán, định mức lập dự toán cho các trường học trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động YTHĐ hàng năm từ nguồn ngân sách kinh phí sự nghiệp.
Nếu các giải pháp này được chấp thuận, triển khai, tin chắc công tác YTHĐ sẽ có nhiều chuyển biến.
Chỉ khi thực sự được quan tâm đúng mức, công tác YTHĐ mới làm tốt việc chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ban đầu cho HS.
NGUYỄN TRIỆU HẢI