Huy động nguồn vốn cho nông thôn mới

Thứ Hai, 24/12/2018, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, tính đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước còn hơn 1.630 tỷ đồng. So với con số “khủng” được xác định vào tháng 1-2016 (lên tới gần 15.220 tỷ đồng) thì đã giảm được gần 90%. Theo đó, hiện chỉ còn 22 tỉnh có số nợ đọng trên 10 tỷ đồng và có 4 địa phương có số nợ đọng cao, là: Nghệ An (330 tỷ đồng), Hải Phòng (230 tỷ đồng), Hải Dương (210 tỷ đồng), Hà Nam (150 tỷ đồng).

Nhờ những nỗ lực của chính quyền các cấp, của các doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội, hiện cả nước có 3.370 xã (chiếm tỷ lệ 37,36%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2018, cả nước sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã và 56 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM .

Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ… Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước đã ban hành những cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, chặng đường xây dựng NTM trong giai đoạn tới được xác định sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Cho đến nay, công tác quy hoạch xây dựng NTM ở nhiều địa phương vẫn còn manh mún, nhiều nơi còn bị chậm tiến độ; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất không theo kịp yêu cầu; hạ tầng xã hội yếu, hạn chế cả về đầu tư và hiệu quả khai thác. Mặt khác, hạn điền, tích tụ ruộng đất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa khơi thông trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, trong khi việc huy động vốn đầu tư của các DN vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do chính sách huy động vốn và ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn. Các quy định pháp lý về vay vốn, nguồn trả nợ và thanh toán nợ xây dựng NTM của các địa phương còn thiếu và chưa thuận lợi, dẫn tới việc phát sinh nợ đọng và giải quyết nợ đọng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Giải pháp huy động vốn và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới cần phải tiến hành đồng bộ trên cơ sở phát huy và tận dụng được các nguồn lực. Trước hết, cần tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp. Song song với việc hình thành mạng lưới thị trường trao đổi hàng hóa nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường hàng hóa nông sản.

Vốn đầu tư từ DN và từ các nhà đầu tư là nguồn vốn quan trọng, cần thiết và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong xây dựng NTM. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý, có cơ chế vững chắc để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tạo thêm nhiều DN trong lĩnh vực này. Trong xây dựng NTM, người nông dân đóng vai trò chủ thể, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư cần thực hiện ở mức độ phù hợp, không quá sức dân và cũng không làm mất đi quyền tham gia đóng góp xây dựng NTM. Đồng thời, các địa phương cần chấm dứt tình trạng thiếu kinh phí nhưng vẫn chạy theo phong trào xây dựng NTM  bằng cách vay nợ để hoàn thành các tiêu chí.

HOÀNG LÊ

;
.