Đừng tự "lấy đá ghè chân"

Chủ Nhật, 09/12/2018, 17:10 [GMT+7]
In bài này
.

1. Tuần rồi, một người bạn có chuyến nghỉ phép ra Hà Nội, nhờ tôi là “dân Châu Đức”, “thủ phủ” trồng hồ tiêu nổi tiếng của BR-VT mua dùm vài ký tiêu sọ để làm quà cho người thân. Do chưa đến mùa thu hoạch nên không còn nhiều người còn trữ lại tiêu sọ, nên tôi phải hỏi đến một cơ sở sản xuất tiêu VietGAP và được báo giá 185.000 đồng/kg. Khá ngạc nhiên vì hiện nay giá hồ tiêu đang chạm đáy, và tháng trước tôi mua của người quen chỉ với giá 90.000 đồng/kg thì được giải thích, đây là giá bán của tiêu sạch, đạt chuẩn, được chứng nhận VietGAP và có thương hiệu. Quả thật, khi được tận mắt chứng kiến sản phẩm tiêu sọ có giá bán 185.000/kg thì tôi đã không còn băn khoăn về giá cả nữa. Những hạt tiêu tròn, chắc, cay nồng được đóng bao bì hút chân không, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, phương thức sản xuất, số điện thoại của hộ nông dân trồng ra sản phẩm, khiến người tiêu dùng cảm thấy yên tâm khi sử dụng cũng như làm quà biếu. Thật khác với hạt tiêu sọ mà tôi đã mua trước đó, dù của người quen và tôi biết rõ là không lạm dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, do không có thương hiệu, bao bì, nhãn mác chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nên giá trị đã giảm đi một nửa.

2. Những ngày gần đây, thông tin về trái sầu riêng tại miền Tây giảm giá mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn do không xuất khẩu được sang Trung Quốc khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi lẽ sầu riêng được xem như loại trái cây “nữ hoàng”, giá bán luôn ở mức cao và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Điều đáng nói là, khi kiểm tra thì cơ quan chức năng mới biết là sầu riêng không có tên trong danh mục nông sản hàng hóa mà Trung Quốc nhập từ Việt Nam theo đường chính ngạch. Thời gian qua, loại trái cây này vẫn đóng container và xuất khẩu vào Trung Quốc bằng các cửa khẩu chính (giống xuất khẩu chính ngạch) nhờ “mượn danh” sầu riêng monthong của Thái Lan. Tuy nhiên, chính sách hiện thời của Thái Lan là không bán sản phẩm giá trị thấp, số lượng nhiều cho thị trường Trung Quốc nữa, mà tập trung vào hàng chất lượng cao, có giá trị lợi nhuận lớn. Vì vậy, Thái Lan giảm cung sầu riêng cho Trung Quốc. Còn phía Trung Quốc đã “siết” nhập khẩu, kiểm soát gắt gao hơn đối với sầu riêng của Việt Nam, làm giá sầu riêng nội địa rớt mạnh như nêu ở trên. Hiện các địa phương gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương đưa 2 mặt hàng có sản lượng khá lớn này vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng để hoàn thành thủ tục này thì sầu riêng đã quá lứa và nông dân phải chịu thua lỗ.

3. Một câu chuyện khá “nóng” thời gian qua là ngành thủy sản đang “riết róng” khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Đầu tháng 10-2018, khi sang Việt Nam để kiểm tra về việc khai thác, đánh bắt hải sản, điều mà đoàn giám sát của EC quan tâm là, ngư dân từ vùng biển đánh bắt cách bờ bao xa, khai thác bằng ngư cụ gì, bảo quản hải sản ra sao, đánh bắt vào mùa nào? Đây là những vấn đề cho thấy, hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU) rất được cơ quan này quan tâm. Cho nên hiện nay, BR-VT cũng như các địa phương ven biển trong cả nước đang tăng cường quản lý tàu cá bằng cách gắn thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu ngư dân khai báo ngư trường và lịch trình đánh bắt… Bởi lẽ, việc đánh bắt bất hợp pháp đã dẫn đến các hệ lụy khôn lường, không chỉ tàu bị bắn chìm, ngư dân bị bắt, nộp phạt… và hậu quả lớn nhất là cảnh báo thẻ vàng của EC trong thời gian qua, dẫn đến việc xuất khẩu hải sản giảm mạnh và thiệt hại cho nền kinh tế không hề nhỏ.

Những câu chuyện trên không xa lạ gì về tình trạng sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững thời gian qua. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm, không tuân thủ quy tắc, luật lệ quốc tế khi đất nước hội nhập sâu mà chính nông dân, ngư dân và cả cơ quan quản lý Nhà nước đang tự “lấy đá ghè chân mình” như những câu chuyện kể trên. Chính vì vậy, không thể giữ mãi những tập quán, thói quen nuôi trồng, khai thác vô tội vạ, mà thay vào đó là sản xuất theo yêu cầu thị trường, sản xuất sạch và đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn và quy định của quốc tế. Có như vậy, về lâu dài mới không lặp lại vòng lẩn quẩn giữa giá thấp, bị cảnh báo về chất lượng, ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.

NGÔ GIA

 

;
.