Chị Sáu bán gà thịt ở đầu chợ Cô Giang (TP.Vũng Tàu) thoăn thoắt lưỡi dao rọc miếng ức gà trắng phau thảy lên đĩa cân. Vừa tính tiền chị vừa ta thán: “Cứ gần lễ tết là giá lên vùn vụt à. Hôm qua 60 ngàn đồng/kg còn có lời, chớ hôm nay 65 ngàn đồng/kg là chị bán huề vốn”. Ức gà là món ăn kiêng của các “vận động viên nhí” trong thời gian tập gym và ăn theo tiêu chuẩn giảm cân nên dù tăng 15 ngàn đồng/kg so với cách đây 2 tuần thì các bà mẹ cho con ăn theo chế độ như tôi vẫn cứ phải mua. Chị Sáu giãi bày: “Thứ bảy, chủ nhật giá còn cao nữa.
Tôi đùa: “Chị nói hay như nhà quản lý luôn vậy!”. Chị cười: “Lấy hàng giá cao, phải bán theo giá cao, phải giải thích, phải kèo nèo khách, cực lắm. Vì chị cũng là bà nội trợ, cũng mua thịt heo, mua rau củ, chị có thích giá tăng đâu”.
Không chỉ thịt gà mà thịt heo và một số các hàng hóa khác lại đang rập rình tăng giá trong dịp cuối năm, làm khó cả người bán lẫn người mua.
Có một lời giải thích chung chung là do chợ đầu mối tăng, do nhà vườn tăng, do thức ăn gia súc, gia cầm tăng. Một cách giải thích khác cũng phải tạm chấp nhận về việc tăng giá là do vật nuôi cây trồng mùa cận tết thường được nhà vườn và người chăn nuôi kìm lại để bán tết nên có dấu hiệu khan hàng. “Bình thường, chị lấy cả trăm kg gà mỗi ngày. Bữa nay mối họ chỉ nhỏ giọt cho chị 40-50 kg lúc 6 giờ sáng. Rồi 10 giờ trưa cả buổi chợ mới thêm 20 kg, sau khi đã chia đều cho các mối khác. Mà giờ đó thì bán đâu còn xôm như sáng sớm nữa, nhưng cũng phải lấy để giữ mối”, chị Sáu nói.
Tôi liên lạc với một lò mổ heo ở huyện Xuyên Mộc, chủ lò cũng xác nhận, heo hơi trong tỉnh cũng như từ Đồng Nai, Bình Dương về có giảm về số lượng, nhưng lại tăng về giá. Heo hơi ngày 19-12 đã tăng 10 ngàn đồng/kg so với hôm đầu tháng. Mà lượng heo trên 100-110 kg, tương đối dày mỡ lại hơi nhiều, nên ông phải giảm lượng thu mua, chỉ chọn hàng đúng quy chuẩn. Một quán ăn chuyên về gà ta hấp lá chanh cũng cho hay, họ cũng phải mua đầu vào cao giá hơn mọi khi 10 – 15 ngàn đồng/kg gà sống. Nhưng giá bán tại quán cũng chỉ dám tăng giá gà luộc 10 ngàn đồng/con/1,2-1,5 kg. “Đành phải lấy khoản bán nước ngọt, bia bù vào, chớ tăng lên giảm xuống như thị trường là khách đi quán khác mất”, chủ quán gà phân trần.
Một cán bộ quản lý ngành nông nghiệp địa phương cho hay, tổng đàn gà nuôi trên địa bàn toàn tỉnh là gần 3 triệu con. Nhưng từ hồi đầu năm cho đến khoảng đầu tháng 8, giá bán ra của sản phẩm gà trắng công nghiệp và gà lông màu có giảm, dẫn đến việc thua lỗ, nên một số trang trại giảm quy mô chăn nuôi. Còn với khoảng gần 45 ngàn hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ thì tổng đàn gà khoảng 900 ngàn con cũng đang vướng ở chỗ thức ăn gia cầm tăng nhẹ, phải đẩy giá bán lên. Mặt khác, tâm lý người nuôi vẫn cứ muốn ghim hàng, nhất là gà ta thả vườn, đợi bán cận Tết nguyên đán cho được giá. Và cách nghĩ đó cũng đã góp phần đáng kể vào cơn gió “thổi giá gà heo” gia tăng vào dịp cuối năm.
Một thực tế cho thấy, thị trường gà, heo của Việt Nam chịu sự tác động rất lớn của yếu tố tâm lý. Khi thấy giá tăng, người chăn nuôi thường bán chậm lại, giữ hàng chờ giá. Khi giá giảm lại lo lắng và bán tháo khiến giá càng sụt giảm. Những động thái này làm mất cân đối cung - cầu trong thời gian biến động giá cả. Do vậy, nếu liên kết giữa nuôi trồng và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo, tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí cá nhân của người nuôi như hiện nay thì việc giá cả bấp bênh, tăng giảm thất thường cũng là một điều dễ hiểu. Cho nên, để ngăn chặn cơn sốt tăng giá, cần phải chấm dứt tâm lý giữ hàng chờ giá. Công tác dự báo cung - cầu về thịt gà, heo trong nước cần được nghiên cứu cẩn trọng. Theo đó, cần thiết phải có động tác kê khai đầy đủ và chính xác trong chăn nuôi; thường xuyên công bố số liệu thực về chăn nuôi ở từng địa phương. Và tất nhiên, điều quan trọng hơn hết là từng doanh nghiệp, từng hộ chăn nuôi cá thể phải thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong chuỗi sản xuất và cung ứng ra thị trường; không chạy theo cơn sốt ảo để làm giá một cách không minh bạch trên chính sản phẩm nuôi trồng hết sức chắt chiu của mình.
THÁI AN