Công chức và mạng xã hội

Chủ Nhật, 16/12/2018, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Cán bộ công chức, viên chức, người lao động (CBCC) trong các cơ quan Nhà nước đang rất quan tâm đến Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam (Bộ quy tắc) được Bộ TT-TT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Một trong những quy định thu hút sự chú ý của CBCC là phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác.

Bên cạnh đề xuất CBCC phải thực hiện ứng xử trên MXH về các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản, trong đó, phải thông báo rõ ràng về việc các ứng xử trên MXH là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản, Bộ quy tắc cũng quy định CBCC ứng xử trên MXH có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính; Chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực, công bằng. 

Nội dung dự thảo Bộ quy tắc sau khi đưa ra lấy ý kiến đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Trong khi một số CBCC cho rằng, nên cụ thể các hành vi cấm đoán có trong luật, yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ mạng quản lý chặt hơn thông tin, hình ảnh… trên đó hơn là “đụng” đến các quyền riêng tư của người dùng thì nhiều người lại bày tỏ sự đồng tình, cho đó là điều cần thiết trong bối cảnh trên MXH xuất hiện vô vàn những thông tin xấu, độc hại, gây hệ lụy không nhỏ đến sự ổn định của xã hội.  

Ông Trần Nhật Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển cho biết, ông ủng hộ việc công khai tên thật trên MXH bởi đây là một nơi phù hợp để CBCC bày tỏ quan điểm, thực hiện quyền tự do ngôn luận đã được hiến định. Tuy nhiên, cần phải có mục tiêu và giải pháp cụ thể, cơ chế thực hiện thì Bộ quy tắc mới có hiệu quả. Những ý kiến ủng hộ khác cũng cho rằng mình không làm gì mờ ám hoặc “ném đá giấu tay” thì không việc gì phải sợ công khai tên thật và nơi cơ quan làm việc. 

Nước ta hiện có khoảng 55 triệu người đang sử dụng MXH, trong số đó không ít người “chơi” MXH là CBCC. Tuy nhiên, chỉ một số ít là công khai tên thật, cơ quan công tác còn phần lớn là dùng nickname mà chỉ bạn bè, người thân mới biết họ là ai. CBCC tham gia MXH với tâm thế tìm hiểu thông tin, giải trí chứ ít khi phát ngôn hay bày tỏ quan điểm về những vấn đề của cuộc sống. Một trong những lý do để họ không thể hiện danh tính và quan điểm của mình là không muốn “dính” vào những phiền phức. 

Thật ra, việc CBCC nước ta dùng MXH để tương tác, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân đã có từ lâu và việc làm của họ được người dân, dư luận xã hội đánh giá cao. Hồi tháng 6-2018, khi xảy ra vụ tụ tập gây rối ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện này, ông Huỳnh Văn Điển đã dùng facebook kêu gọi người dân tỉnh táo, tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xúi giục. Ông cho biết việc kêu gọi trên facebook là với tư cách cá nhân, muốn người dân hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề, tránh những vục việc đáng tiếc. Lời kêu gọi của ông đã có hàng trăm lượt chia sẻ và nhiều ý kiến đồng tình. Điều đó cho thấy việc CBCC tham gia MXH là cần thiết, nên làm. Nó không chỉ là phương cách để tương tác, trao đổi, giải quyết công việc mà còn tạo sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan Nhà nước, CBCC với người dân. Vấn đề là cơ quan chức năng nên cụ thể hóa những tiêu chí chuẩn mực và trách nhiệm của người CBCC khi tham gia MXH, khuyến khích người CBCC mạnh dạn sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác, có nhận thức đúng đắn khi tham gia MXH, góp phần thúc đẩy những tác động tích cực, hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả việc lan truyền thông tin xấu, độc trên MXH.

MXH là một trong những thành quả của khoa học công nghệ với vai trò và tính chất như là “báo chí công dân”. Tận dụng ưu thế “nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc mọi nơi” của MXH, lãnh đạo, quan chức nhiều nước trên thế giới đã dùng nó để tương tác, trao đổi với người dân, thu thập những phản hồi từ người dân để chấn chỉnh, sửa đổi những chính sách chưa phù hợp, mang lại những hiệu quả to lớn. Đó là một xu thế tất yếu! 

Yêu cầu CBCC công khai danh tính, hình ảnh, cơ quan khi tham gia MXH không có nghĩa là cấm đoán hoặc để “theo dõi, gây khó dễ” mà chính là khuyến khích CBCC đóng góp ý kiến phản biện, thúc đẩy sự phát triển của xã hội và cũng đòi hỏi họ có trách nhiệm với phát ngôn của mình.  

Không nên hiểu rằng Bộ quy tắc này là để hạn chế người sử dụng mà là để xây dựng MXH thành một môi trường văn hoá, nhân văn. Ở đó, CBCC không chỉ tương tác, trao đổi, giải quyết công việc mà còn chia sẻ với người dân bất cứ lĩnh vực nào mà họ quan tâm. 

Việc xây dựng, ban hành Bộ quy tắc trên MXH với những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử do vậy là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.