Một đám đông hào hứng đứng coi 2 con chó nô giỡn trên bãi cỏ của Công viên khu tam giác Bãi Trước. Hai con chó cảnh, 1 nâu 1 trắng, đang vờn nhau một cách điệu nghệ, đẹp mắt như diễn trò, rất lớp lang, bài bản. Khi nhanh khi chậm, lúc ngoạm tai, rúc vào bụng nhau, khi lăn đùng ra hoặc cao hứng sải chân phi như ngựa. Thấy người xem thích thú, người chủ của hai chú chó rất phấn khởi; chị kể đã bỏ ra mấy chục triệu đồng để mua và huấn luyện chúng “thành tài” như thế. Rồi đột nhiên, trong một pha cao hứng quá đà, hai “diễn viên” không “thắng” kịp đã lao cả vào đám đông người xem, khiến ai nấy ré lên, bế thốc trẻ con lên tay để tránh hoặc bỏ chạy. Người ta hình như lúc đó mới sực nhớ ra những con vật đáng yêu kia dù sao cũng vẫn là… chó, mà chó thì có thể cắn người, dẫu chó đã tiêm phòng dại thì cũng không hoàn toàn yên tâm được!
Công viên Bãi Trước hàng ngày có rất đông người ra chơi lúc chiều muộn. Một số mang theo cả chó cảnh. Đến nay chưa ghi nhận sự cố nào về chó cắn người, nhưng sự thật là chúng đã rải chất thải ra đây, và nhất là việc chúng không đeo rọ mõm, không được chủ dắt bằng dây dẫn đã khiến cả người lớn lẫn trẻ nhỏ cảm thấy sợ.
Có nên cấm mang chó ra công viên không? Phải hỏi vậy, vì ở đây chưa thấy có bảng cấm động vật; hơn nữa “tình yêu” và cách cư xử của cộng đồng đối với chó là không giống nhau. Bằng chứng là mới đây, khi chính quyền TP.Hà Nội chủ trương vận động người dân không ăn thịt chó, dư luận không riêng ở Hà Nội mà còn ở khắp các địa phương trong nước đã lập tức chia thành hai phe để phản đối hoặc ủng hộ. Phe ủng hộ gồm “nòng cốt” trước hết là những người nuôi chó như một loại thú cưng, nên cũng dễ suy ra rằng, nếu được hỏi ý kiến, chắc chắn họ muốn chó của họ được đi chơi công viên. Nhưng nếu mang chó ra công viên như cách vừa mô tả ở trên thì lại làm xâm phạm đến lợi ích của những người khác, cụ thể là của nhóm người không thích chó hoặc sợ chó. Vậy làm thế nào để khỏi có “xung đột”?
Đầu tiên, chúng ta nên tìm xem có những quy định nào có thể dùng làm cơ sở pháp lý cho chuyện “cấm chó chơi công viên” hay không. Có! Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NÐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, tại nơi công cộng mà chó không đeo rọ mõm, không có người dắt, không tiêm phòng dại sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng; chó thả rông sẽ bị bắt và bị tiêu hủy sau 72 giờ nếu chủ không đến nhận... Quy định thì đã rõ như thế, nhưng vấn đề là, phần lớn người dân chưa thực hiện nghiêm mà thôi.
Khi ban hành kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018 – 2021, chính quyền TP.Hà Nội đã công bố yêu cầu bắt buộc là, khi mang theo vật nuôi (như chó, mèo) tại nơi công cộng, trong mọi trường hợp chủ nuôi thú cưng phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh bằng các biện pháp rọ mõm, xích… Tuyệt đối không thả rông thú cưng (kể cả có rọ mõm) ở lòng đường, lề đường, công viên, nơi đông người, nơi công cộng. Chủ vật nuôi phải tiêm phòng định kỳ bệnh dại cho thú cưng đúng như khuyến cáo của cơ quan thú y.
Vậy có nghĩa là, theo Nghị định 90/2017/NÐ-CP của Chính phủ và theo kinh nghiệm của Hà Nội, thì chỉ cần thực hiện tiêm phòng dại, đeo rọ mõm, có dây dắt và có người trông coi là chó cưng được phép đi chơi nơi công cộng, trong đó có công viên mà không bị nhà chức trách “làm phiền”.
Theo các tài liệu tham khảo, ở nước Anh đã có lệnh Kiểm soát Chó từ năm 1992, rồi được nâng cấp thành Luật vào năm 2016; trong đó quy định rằng, mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống… đều phải được chủ trang bị thẻ tên bao gồm những thông tin “cá nhân” như: tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ. Ngoài việc có thẻ tên như thẻ căn cước, điểm chung của các nước tiên tiến là quy định bắt buộc về tiêm chủng và đeo dây dẫn cho chó khi ra đường. Nếu vi phạm, hoặc nếu chú chó của bạn được thả rông không kiểm soát và gây ra bất kỳ hư hại nào đến cảnh quan đô thị và môi trường thì như ở Anh, chủ chó bị phạt rất nặng, tới hàng nghìn bảng (từ khoảng 30 triệu VND trở lên). Làm đúng quy định có vẻ ngặt nghèo như thế thì tất nhiên chó cưng mất tự do hơn, người chủ chó cũng mất công hơn, nhưng cái quan trọng là điều đó bảo đảm an toàn cho mọi người.
Vậy cơ quan thú y của TP.Vũng Tàu cũng trước hết nên đề xuất để chính quyền thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, trong đó có các quy định về việc quản lý thú cưng và phối hợp với ngành Lâm viên cây xanh (đơn vị quản lý công viên) để thực hiện đúng quy định về quản lý thú cưng tại địa điểm công cộng đặc biệt này.
HẢI THANH