Tại cuộc hội thảo “Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai - trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công”, do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 3-12, các chuyên gia đều có chung nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động nhất định và sẽ tác động ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam, trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm sẽ ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa nói riêng...
Theo thống kê sơ bộ, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành nghề bị tác động nhiều nhất là những ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân... Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút rất nhiều lực lượng lao động như các ngành nghề liên quan đến cơ điện tử, tự động công nghiệp, phát triển internet di động, điện toán đám mây...
Những cảnh báo nêu trên không phải là thừa khi mà trên thực tế với nguồn lực lượng lao động dồi dào gần 56 triệu người, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng trong tổng số lao động nói trên chỉ có 11% lao động có kỹ năng tay nghề cao. Điều đó đồng nghĩa với việc hiện nay, nguồn nhân lực lao động của Việt Nam tuy đông nhưng không “tinh”, điều đó đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải có những cải cách mạnh mẽ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Bước vào dòng chảy cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực nâng cao là một yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế của đất nước. Do đó, ngay từ bây giờ cần phải có những định hướng, chính sách tăng cường năng lực cho hệ thống trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; vừa tập trung nâng cao chất lượng đồng thời củng cố các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Riêng đối với người lao động, muốn không bị đào thải khi bước vào dòng chảy công nghiệp 4.0, cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức mới, nắm bắt nhanh nhạy sự thay đổi của công nghệ để đáp ứng nhu cầu công việc. Đó là các kỹ năng thu thập, lưu trữ, xác định tính chân thực thông tin; kỹ năng sử dụng các công cụ và trang thiết bị hỗ trợ cho công việc như: sử dụng thành thạo phần mềm đồ họa, dữ liệu lớn, điện thoại thông minh… Song song đó, người lao động cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm mà theo các chuyên gia lao động - việc làm, các nhà tuyển dụng đánh giá là điểm yếu của nguồn lực lao động Việt Nam: ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tinh thần làm việc nhóm, sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm… Và một điều quan trọng không kém là người lao động cần không ngừng trang bị cho mình vốn ngoại ngữ để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ trong thời đại 4.0. Hiện nay, ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, người lao động chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản, còn khả năng thích ứng với công việc hay các kỹ năng mềm đều do người lao động tự học, tự trau dồi và trải nghiệm qua thực tế làm việc. Do đó, người lao động cần chủ động xác định những yếu tố trên để tự mình tích lũy, tiếp thu những kiến thức mới, những kỹ năng mới, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu công việc trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhiều thay đổi hàng ngày, hàng giờ.