Bệnh tật từ đâu mà ra? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nêu một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời. Thủ tướng lý giải, trả lời câu hỏi này thật bài bản xin để Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng xin nói nôm na, chuyện đang nhãn tiền khi mà Xuân 2019 sắp về, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang cận kề. Bệnh tật nhiều là do môi trường sống và đồ ăn thức uống hàng ngày đưa vào cơ thể chưa sạch. Thời điểm này, các siêu thị, khu chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm ở BR-VT và cả nước đang chuẩn bị khối lượng hàng hóa lớn, cung ứng thị trường Tết. Hơn lúc nào hết, vấn đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Thực phẩm sạch”, “Ăn uống sạch” đang trở nên cấp thiết.
Mới đây, khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” và tiếp tục ban hành Nghị quyết mới của Đảng về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu các nhóm giải pháp xây dựng nền “Nông nghiệp hữu cơ - Nông nghiệp sạch”, xã hội tiêu dùng nông sản sạch. Thủ tướng dùng hình ảnh ví von mà rất đúng: “Bệnh tật từ đâu mà ra?”; “Suy cho cùng là từ cái miệng, cái mồm”. Ngạn ngữ có câu “Vạ miệng”. Con người ta không cẩn thận mỗi khi ăn uống là nuốt bệnh vào cho mình. Người ta phát ngôn thiếu sự cẩn trọng, nhiều khi gặp lôi thôi to.
Muốn ăn sạch, uống sạch, như Thủ tướng đã nêu: Thực phẩm - đồ ăn thức uống phải có xuất xứ, nguồn gốc. Ý thức cộng đồng, ý thức xã hội, ý thức người dân phải cao, tự giác chấp hành các quy định mà Nhà nước đã ban hành về “Vệ sinh an toàn thực phẩm”. Vì sức khỏe của chính mình, mọi người dân kiên quyết nói “không” với thực phẩm bẩn không có xuất xứ. Những người mang đồ ăn thức uống bẩn ra thị trường, trực tiếp hay gián tiếp đều là tiếp tay cho tội ác, cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp tháng 12-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu thực trạng báo động “đỏ” vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn thức uống không rõ nguồn gốc, thậm chí thịt thiu, lục phủ ngũ tạng động vật thối không rõ nhập về từ đâu, kẻ ác cho tẩm hóa chất làm giảm mùi hôi rồi chế biến, cho thêm gia vị tung ra thị trường, bày bán khắp nơi. Những loại thực phẩm bẩn như thế ẩn chứa bao tai họa, sinh ra bao thứ bệnh tật, nguy hại nhất là bệnh ung thư đang ngày càng trẻ hóa, gia tăng hàng năm với tốc độ chóng mặt. Hám lợi, bất chấp luật pháp, đồng tiền bẩn khuất mắt, tội ác rành rành, làm suy kiệt giống nòi.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng BR-VT đã và đang triển khai nhiều biện pháp thực hiện sản xuất “Nông sản sạch”, “Vệ sinh an toàn thực phẩm”. Kết quả thực hiện trên toàn tỉnh đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thực trạng đồ ăn thức uống bẩn như vừa nêu thật ra không có gì mới, mấy năm nay đã bàn thảo nhiều trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông. Chính phủ và các cấp chính quyền triển khai các nhóm giải pháp khắc phục, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, chưa thường xuyên. Phải chăng sự đồng bộ và quyết liệt của các cấp chính quyền, của người dân chưa đủ độ cần thiết để ngăn chặn nguy cơ “bẩn”, “Triệt hạ sức khỏe cộng đồng”.
Các biện pháp quyết liệt “Vệ sinh an toàn thực phẩm” ngay trước Tết Nguyên đán cổ truyền Kỷ Hợi 2019 đang được thực thi. Một là, tăng cường giáo dục truyền thông cho toàn xã hội, thông qua báo chí, tuyên truyền miệng ý thức ăn sạch, uống sạch, xây dựng “chợ sạch”, “chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch”. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên của các tổ chức đoàn thể, các hội, đoàn thể, tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên nói “không” với thực phẩm bẩn. Hai là, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử phạt thật nghiêm những kẻ cố tình vi phạm, hám lợi mà tiếp tay cho thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Giáo dục xã hội, nâng cao nhận thức đi liền với biện pháp giám sát, kiểm tra, xử phạt những ai vi phạm, nhất định sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực, tức thì cho cuộc vận động xây dựng “Xã hội văn minh - thực phẩm sạch!”. Ba là, triển khai mạnh mẽ, căn cơ và bài bản hơn nữa phát triển nền “Nông nghiệp sạch”, “Nông nghiệp hữu cơ”. Cả xã hội đồng lòng - đặc biệt là các doanh nghiệp bằng nhiều cách tiếp sức, hỗ trợ, đầu tư xây dựng các trang trại sản xuất nông sản sạch. Hoan nghênh, biểu dương, tôn vinh, Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nhân bỏ vốn đầu tư, làm lực lượng chủ lực cùng bà con nông dân xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, các trang trại sản xuất lớn cung ứng thị trường khối lượng lớn nông sản sạch, bao gồm cả việc mở các chợ sạch, chuỗi cửa hàng rau quả - thực phẩm sạch, tiện ích, giá cả hợp lý. Làm được vậy, “thực phẩm bẩn” sẽ không còn đất sống, những kẻ thủ ác hám tiền “ăn bẩn” hết đất tồn tại.
Bác sĩ và sức khỏe là chính mình! Để ngăn chặn bệnh tật, bảo tồn sức khỏe, giống nòi, toàn xã hội hãy nói “không” với thực phẩm “bẩn”, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp!
HẢI VÂN