Sau 2 tuần, dư luận vẫn còn râm ran về vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, TP.Hồ Chí Minh khiến 1 người chết và nhiều người bị thương. Vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt vì người gây tai nạn là một phụ nữ, đã sử dụng rượu, bia trước khi lái ô tô (kết quả đo nồng độ cồn ở người này là 0,94 miligam/1 lít khí thở, trong khi Luật Giao thông Đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn).
Nhiều năm qua, TNGT luôn là vấn đề nhức nhối ở nước ta, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. Nghĩa là, trung bình mỗi ngày có 22 người đi ra khỏi nhà và mãi mãi không trở về, 38 người phải mang thương tích vì TNGT, trong đó có nhiều người bị tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng chú ý, một thống kê khác của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, khoảng 40% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Rượu, bia còn là một trong những tác nhân gây mất an ninh trật tự, gây nên những cái chết hết sức vô lý. Một va chạm nhẹ, một cái liếc mắt vô tình, một thái độ “dễ ghét” lúc tỉnh táo người ta có thể bỏ qua, nhưng khi trong người có sẵn hơi men, người ta sẵn sàng dùng nắm đấm, hung khí để “nói chuyện”. Chỉ cần lên Google gõ cụm từ “giết người vì rượu, bia”, ta sẽ nhận được hàng loạt kết quả về những vụ án mạng liên quan đến loại thức uống này: Thiệt mạng vì từ chối lời mời uống bia, Giết người vì mâu thuẫn khi nhậu, Bị đâm chết vì giành trả tiền nhậu, Bị đâm chết vì làm đổ rượu vào người khác…
Thói quen uống rượu, bia ở nước ta đã có từ lâu và xét ở khía cạnh tích cực, nó còn được coi là nét văn hóa ẩm thực. Trước đây, đời sống còn khó khăn, người dân quan niệm “ăn no mặc ấm”. Thời nay, kinh tế ngày càng khá giả, quan niệm ấy đã được thay đổi thành “ăn ngon mặc đẹp”. Vì vậy, những lúc có chuyện vui mừng, kỷ niệm, tổng kết, bạn bè hay đối tác gặp mặt, rượu, bia ngày càng được sử dụng nhiều hơn, như một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Bản thân thức uống có cồn này không có lỗi, mà lỗi là ở người sử dụng. Người uống rượu, bia biết dừng đúng lúc, uống vừa đủ thì sẽ thưởng thức được cái đẹp, cái tinh túy của văn hóa ẩm thực. Ngược lại, người uống rượu, bia quá nhiều có thể dẫn tới mất kiểm soát bản thân, khiến cuộc vui không còn trọn vẹn, ý nghĩa.
Sau những vụ TNGT có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia mới thấy những khẩu hiệu kêu gọi ATGT như: “Phía sau tay lái là sự sống”, “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” thật ý nghĩa biết bao. Đáng tiếc, nhiều người chưa thực sự quan tâm để ý đến những khẩu hiệu này.
Hiện nay, chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc. Để hạn chế tác hại của rượu, bia, bên cạnh việc lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm khắc người vi phạm, yếu tố quan trọng nhất là thay đổi ý thức của mỗi người. Đã đến lúc văn hóa uống rượu, bia cần được thay đổi. Mỗi người cần bỏ ngay quan niệm “đã uống là phải say”, “không say không về”. Không ai có thể ép buộc nếu chúng ta biết dừng lại đúng mức và kiên quyết từ chối. Trường hợp bất khả kháng, khi đã “quá chén” thì tốt nhất là không nên tự lái xe về nhà, thay vào đó là dùng các phương tiện vận chuyển khác như taxi, xe ôm, để bảo đảm sự an toàn cho mình cũng như tránh gây ảnh hưởng hoặc đe dọa sự an toàn tính mạng của người khác.
Đừng để “quá chén”, mất vui!
NGUYỄN ĐỨC