Từ trước đến nay, khi nói đến Bà Rịa-Vũng Tàu, mọi người đều nói về biển, du lịch biển hoặc là kinh tế biển, còn kinh tế đường sông thì ít được đề cập đến.
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm lực phát triển kinh tế biển. Do đó, việc đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2015-2020 là quan điểm đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Và từ năm 2015 đến nay, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thúc đẩy 5 mũi nhọn kinh tế.
Sau một thời gian đầu tư, thực hiện, các mũi nhọn công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trên đà phát triển; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2018, tổng thu ngân sách đạt khoảng 76.710 tỷ đồng, đạt 119,45% dự toán, tăng 6,43% so với năm 2017, trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 17.635 tỷ đồng, thu ngân sách nội địa đạt 27.925 tỷ đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tế, nguồn lực của tỉnh, để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất quan điểm đưa kinh tế đường sông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thực tế, Bà Rịa-Vũng Tàu có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đường sông: hệ sinh thái sông và ven sông để nuôi trồng thủy sản, thực hiện các hoạt động du lịch theo tuyến, kinh doanh ăn uống, vận chuyển hàng hóa, hành khách… Tuy nhiên, thời gian qua các lĩnh vực kinh tế đường sông phát triển mang tính chất manh múm, nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ, chưa có định hướng và kế hoạch cụ thể để tập trung phát triển. Các lĩnh vực kinh tế đan xen và hạn chế lẫn nhau, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường trong các các lĩnh vực kinh tế đường sông là rào cản lớn đến quá trình phát triển. Cụ thể, việc phát triển quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên các sông rạch chưa được thực hiện quy củ, các rủi ro trong nuôi trồng luôn xảy ra kéo theo hệ lụy thưa kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội của tỉnh. Hành lang an toàn sông bị một số hộ dân nuôi trồng thủy sản trên làng bè lấn chiếm làm thu hẹp luồng chạy tàu; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các sông rạch chưa tuân thủ các quy định…
Để phát triển kinh tế đường sông trở thành một mũi nhọn kinh tế, việc cần làm trước mắt là UBND tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế đường sông. Quy hoạch đưa ra định hướng phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; dịch vụ, thương mại và du lịch; kết cấu hạ tầng; khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hóa - xã hội; ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phải có các nhóm giải pháp thực hiện như: Nhóm giải pháp về các lĩnh vực ưu tiên phát triển; giải pháp về vốn đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về cải cách hành chính và giải pháp về tăng cường hợp tác và phát triển thị trường. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh xem xét, thông qua bằng nghị quyết để tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư và thúc đẩy kinh tế đường sông phát triển. Từ đó tăng thu nhập cho người dân sống ven sông, tăng thu ngân sách trong thời gian tới.
NGỌC NGUYỄN