"Người phán xử"

Thứ Sáu, 09/11/2018, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.
Các báo đưa tin, ngày 31-10, đến làm việc tại Bình Định, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) lên tàu cá đậu tại cảng Quy Nhơn và hỏi ngư dân xem họ đi đánh bắt những đâu, có bật bộ định vị lên, có ghi chép những gì đánh bắt được không... Họ cũng đã làm tương tự như thế với ngư dân ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang. “Chúng tôi thấy ngư dân không hề làm bất cứ điều gì trong những việc đó cả”,  ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam – nói. Kết quả điều tra thực địa này là căn cứ để họ, tuy “ghi nhận các cố gắng của phía Việt Nam”, nhưng vẫn quyết định kéo dài cảnh báo “thẻ vàng” đối với hàng thuỷ sản Việt Nam đến tháng 1 năm 2019.

Thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” từ tháng 10-2017 do các vi phạm về đánh bắt cá bất hợp pháp, không đúng chỗ, không đúng mùa; không có báo cáo và không được quản lý (gọt tắt là IUU). Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, “thẻ vàng” đã ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam tại thị trường EU. Năm 2017, thị trường lớn nhất của hàng thủy sản Việt Nam là EU với trị giá nhập khẩu gần 1,46 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016. Nhưng hết nửa năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt 584 triệu USD và EU tụt xuống đứng hàng thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam - sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Vấn đề là, ai cho phép mấy ông nghị châu Âu này quyền phán xử ngư dân ta? Không ai cả, mà đây là việc họ làm theo thông lệ và luật pháp quốc tế. Nếu nghề cá cha truyền con nối của Việt Nam cứ duy trì tập tính làm ăn tuỳ tiện, vô tình hay cố ý vi phạm luật chơi trong thời thế giới hội nhập, thì - giống như sân bóng có ông trọng tài - đầu tiên họ rút “thẻ vàng” cảnh cáo, nặng nữa là “thẻ đỏ” loại anh khỏi cuộc chơi.

Trong IUU, xâm nhập và đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước láng giềng là hành vi vi phạm nặng nhất. Người  đánh bắt đó đương nhiên là ngư dân - chính xác là một bộ phận ngư dân - nên “thẻ vàng” cũng là hậu quả đương nhiên do họ tự mang về. Nghĩ cho cùng, thì đâu phải EC , mà ngư dân mới chính là “Người phán xử”  hành vi của mình, theo quy định của luật pháp.

Báo BR-VT ngày thứ Hai, 29-10-2018 đăng tin tình trạng tàu cá của ngư dân BR-VT xâm phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh, từ tháng 7-2018 đến nay không có tàu cá nào của BR-VT bị nước ngoài bắt giữ về hành vi nói trên.  Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, thì BĐBP tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để ngư dân hiểu và hợp tác với cơ quan chức năng trong việc cung cấp những thông tin như nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, cam kết thực hiện các quy định về hành nghề, chấp hành gắn thiết bị giám sát hành trình và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng về hoạt động khai thác trên biển. BĐBP tỉnh còn kiểm soát tàu cá ra - vào bến để phát hiện dấu hiệu của việc đưa tàu ra vùng biển nước ngoài như mang theo sổ kiểm soát giả, biển kiểm soát, cờ nước ngoài; phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm … Bài viết có nêu một số chủ tàu do có lần đánh bắt “quá đà” sang vùng biển nước ngoài mà tàu bị đánh chìm, bạn ghe bị bắt, gia đình khốn đốn vì tiền phạt và các chi phí khắc phục hậu quả. Từ bài học nhớ đời của bản thân, họ lên tiếng khuyên các bạn chài đừng bao giờ xâm phạm vùng biển nước ngoài.

EC đã phạt thẻ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những nước nhanh chóng thoát khỏi “thẻ vàng” của EC như Philippines, Hàn Quốc đều có kinh nghiệm là phải tập trung vào các giải pháp nâng cao ý thức tự giác của ngư dân.

Nhà nước càng có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ thì càng tốt. Tuy nhiên, chỉ khi ngư dân tự giác suy nghĩ và hành động giống như những người trong cuộc vừa kể trên, thì lúc bấy giờ kết quả mới bền vững. Vì thế, phải bền bỉ truyền thông để ngư dân nhận thức được và đồng thời thụ hưởng được các lợi ích khi từ bỏ việc đánh bắt cá bất hợp pháp.

HẢI THANH

;
.