Một ý tưởng nhân văn!

Thứ Ba, 20/11/2018, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam vừa được thành lập. Ban đầu, nghe đến cái tên khá lạ lẫm và có phần “nhạy cảm” này, nhiều người vội phì cười, thậm chí còn mỉa mai và chê bai những người đứng ra vận động thành lập hiệp hội. Nhưng ai tìm hiểu kỹ mới thấy, đây là một việc làm thật nhân văn, đáng hoan nghênh, nhất là khi kinh phí hoạt động của hiệp hội này hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa và hướng đến phục vụ miễn phí cho cộng đồng. 

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho biết, những người sáng lập hiệp hội mong muốn tạo ra "cuộc cách mạng" cải thiện chất lượng nhà vệ sinh (NVS) Việt Nam thông qua các hoạt động xây dựng NVS phục vụ miễn phí người dân, nghiên cứu và sản xuất các thiết bị vệ sinh thông minh, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về NVS, để không phóng uế, không xả chất thải bừa bãi ra môi trường. 

Ở Việt Nam, vấn đề nhà vệ sinh (NVS) thường được coi là chuyện tế nhị nên người ta ngại đề cập. Vì vậy, trong suy nghĩ của đa số người dân, NVS chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm đầu tư. Tại nông thôn, NVS thường tạm bợ. Có vùng nhà nào cũng bắc mấy cây gỗ trên mặt ao, che chắn sơ sài xung quanh bằng bạt, ván rồi thoải mái xả xuống ao cho… cá. Còn phần lớn nhà nông thì giữ lại chất thải ấy để bón ruộng, tưới cây! 

Đó là chuyện của khoảng 10 năm về trước. Gần đây, quan niệm về NVS đã thay đổi mạnh mẽ. Nhiều gia đình ở nông thôn đã có công trình phụ (nhà tắm + NVS) khép kín. Những cái NVS lộ thiên trên mặt ao cũng dần biến mất. Ở khu vực đô thị, số lượng NVS công cộng (NVSCC) được xây dựng, lắp đặt ngày càng nhiều. Tuy vậy, nhìn chung NVS vẫn chưa được quan tâm, coi trọng. Tại nhiều cơ quan, trường học, nhà hàng, quán ăn, bến xe, tình trạng NVS thiếu nước, thiết bị hư hỏng không được sửa chữa, thay mới, không có người dọn dẹp thường xuyên, người sử dụng thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh… dẫn đến bốc mùi hôi thối, dơ dáy còn khá phổ biến. Phần lớn các địa điểm du lịch còn thiếu NVS đạt chuẩn. 

Ai đã từng phải vất vả tìm kiếm NVS hoặc gắng gượng nín nhịn giữa thành phố nhộn nhịp người - xe mới thấy tầm quan trọng của cái NVSCC như thế nào. Những lúc như vậy, chẳng ai còn tâm trí đâu mà quan tâm đến chuyện khác! Chúng ta cũng từng đôi lần khó chịu khi chứng kiến những hình ảnh khó coi của ai đó đang đứng quay mặt vào góc tường, gốc cây để phóng uế. Thậm chí, có người đã từng gây nên làn sóng phẫn nộ khi đứng giữa dòng người xe nườm nượp mà “giải quyết nỗi buồn”. Những hành vi không đẹp đó đáng bị phê phán. Nhưng nếu đặt mình vào trường hợp của họ, chúng ta sẽ phải xử lý thế nào, bởi khi có nhu cầu đi vệ sinh, đã quá sức nín nhịn mà kiếm mãi không thấy cái NVSCC nào?.

Đi vệ sinh cũng là nhu cầu thiết yếu không kém nhiều nhu tự nhiên khác hàng ngày của con người. Nhưng vì nhiều lý do, vấn đề xây dựng NVSCC chưa được xã hội quan tâm đúng mức. Vì vậy, sự ra đời của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là rất đúng lúc, kịp thời, hướng tới mục tiêu rất nhân văn là muốn thay đổi thực trạng NVS hiện nay, thay đổi ý thức sử dụng NVS của người Việt văn minh, lịch sự, đúng chỗ, đúng nơi và sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu như chỉ có sự nỗ lực của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thôi thì chưa đủ. Muốn cải thiện vấn đề vệ sinh, cần thay đổi ý thức của mỗi người dân. Mà việc xây dựng và hình thành ý thức vốn là một quá trình dài. Việc này cần bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, tại gia đình và trong nhà trường và là trách nhiệm của cả cộng đồng chứ không của riêng một nhóm người.

NGUYỄN ĐỨC

;
.