Loại bỏ những hành vi xấu xí

Thứ Sáu, 09/11/2018, 09:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trong vòng hơn một tuần, hai vụ việc gây nên hình ảnh xấu xí của du lịch Việt Nam làm dư luận “dậy sóng”. 

Ở trong nước, nhóm côn đồ dùng nhiều thủ đoạn để trấn lột du khách nước ngoài quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Còn ở nước ngoài, một du khách nghi là người Việt đã khắc tên “Hào”, cùng hình ngôi sao và trái tim lên một phiến đá ở di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản. Hai hành động trên, tuy hình thức và tính chất khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những hành vi thiếu văn minh trong du lịch. 

Trong vụ trấn lột du khách, những kẻ côn đồ ấy đã làm hoen ố hình ảnh du lịch không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn là hình ảnh du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, nạn nhân hầu hết là du khách nước ngoài. Trở về quê hương, họ sẽ nghĩ gì, nói gì về đất nước vốn nổi tiếng thanh bình và được quảng bá là thân thiện, mến khách này? Có lẽ trong tâm trí những nạn nhân đó, chuyến du lịch đến Việt Nam thật đáng quên và dĩ nhiên, những ấn tượng xấu ấy sẽ được họ truyền đến cho nhiều người khác, bởi chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, với sự lan tỏa không biên giới của mạng Internet và mạng xã hội. Trớ trêu thay, tình trạng bị trấn lột, trộm cắp, “chặt chém” từ lâu đã được liệt vào danh sách những nỗi sợ của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, khiến đa phần họ không có ý định trở lại với chúng ta. 

Hành vi trấn lột du khách ở khu vực hồ Hoàn Kiếm xảy ra giữa ban ngày, tại trung tâm của Thủ đô Hà Nội là việc khó chấp nhận. Chính quyền sở tại, lực lượng công an địa phương không thể chối bỏ trách nhiệm. Nhóm côn đồ đã tạo nên hình ảnh xấu xí của du lịch Việt Nam nói trên rồi đây sẽ bị trừng trị thích đáng. Nhưng hậu quả chúng để lại là rất nặng nề, làm mất uy tín mà ngành du lịch Việt Nam đã dày công gây dựng. Vì vậy, những hành vi tương tự cần phải được dẹp bỏ ngay từ khi mới manh nha, chứ đừng để xảy ra thời gian dài, khi báo chí phanh phui, cơ quan chức năng mới xử lý thì đã muộn.

Viết, vẽ lên điểm đến, trong đó có nhiều di tích lịch sử nhằm “đánh dấu” chuyến du lịch là một hành vi xấu của không chỉ riêng người Việt mà còn là của nhiều người dân các nước khác. Nếu người vẽ bậy lên di tích trên đúng là người Việt thì đây quả là điều đáng trách, bởi nó càng góp phần làm cho hình ảnh người Việt thêm xấu xí trong mắt người nước ngoài. Mỗi người Việt trong chúng ta có cảm thấy bị xúc phạm, mắc cỡ hay không, khi mà nhiều cửa hàng, nhà hàng ở nước ngoài không hào hứng, mặn mà khi đón tiếp người Việt? Thậm chí, nhiều nhà hàng, trung tâm thương mại ở nước ngoài còn đặt cả biển cảnh báo mức xử phạt bằng tiếng Việt để nhắc nhở những vị khách người Việt có ý định trộm cắp hay lấy quá nhiều thức ăn. Nặng nề hơn, một số quốc gia còn đặt ra những điều kiện rất khắt khe và hạn chế cấp thị thực hoặc làm thủ tục nhập cảnh cho người Việt. Đó là hậu quả của những hành vi không đúng mực từ một số ít người Việt khi ra nước ngoài du lịch như: bỏ trốn để ở lại nước sở tại, trộm cắp hàng hóa, lấy quá nhiều thức ăn nhưng không dùng hết, xả rác, phóng uế và hút thuốc nơi công cộng…

Tháng 3-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Nội dung Bộ Quy tắc hướng dẫn khá toàn diện các hành vi đúng mực trong hoạt động du lịch, được áp dụng cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch và cộng đồng dân cư. Đã đến lúc, Bộ Quy tắc này phải được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nên chăng, các nhà trường có thể đưa Bộ Quy tắc vào giảng dạy thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các trò chơi, để hình thành ý thức, thái độ văn minh trong người Việt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song song đó, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức nhiều kênh tiếp nhận thông tin và nhanh chóng xử lý nghiêm các đối tượng chèn ép, “chặt chém”, trấn lột du khách, nhằm mang lại môi trường du lịch thực sự văn minh, thân thiện. 

NGUYỄN ĐỨC

;
.