Để "Tam nông" thật sự bứt phá

Thứ Năm, 29/11/2018, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. 

Cách đây đúng 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) tiến hành Hội nghị lần thứ 7 thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng về “tam nông”. Theo đó, ngày 5-8-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. Nghị quyết khẳng định: Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ  và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nhóm giải pháp đồng bộ đã được chỉ rõ, khẳng định trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Tại cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 27-11, báo cáo của Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản, chăn nuôi tăng trên 26% năm 2017. Năm 2017, nông nghiệp đóng góp 25% giá trị xuất khẩu, 17% GDP. Công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường. Chương trình xây dựng nông thôn mới  phát triển sâu rộng, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn cả nước; 56 huyện và gần 34 ngàn xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, còn không ít vấn đề bất cập, có mặt còn yếu kém. Việc đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá thấp; vẫn còn 70% dân số và 48% lao động tập trung ở khu vực nông thôn, giữa nông thôn và thành thị vẫn còn khoảng cách khá xa về đời sống vật chất, tinh thần. Hạn điền nhỏ lẻ, manh mún, khó cơ giới hóa, khó tổ chức sản xuất lớn, quy mô trang trại ở Việt Nam vào hàng nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á. Khoảng 50% số hộ gia đình nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, khó tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản; tình trạng dư thừa sản phẩm, rớt giá thê thảm như thịt heo, dưa hấu, thanh long, trái ớt… gây thiệt hại lớn cho nông dân, đến mức phải kêu gọi xã hội giải cứu còn khá phổ biến. Cả nước chỉ có khoảng 7.600 DN (chiếm khoảng 1% tổng số DN cả nước) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - một con số còn  khiêm tốn… 

Tại  BR-VT, trong 10 năm, từ 2008 đến 2018, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều khởi sắc, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh thời gian qua đạt 4,44%/năm; tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia giảm từ 5,31% năm 2008 xuống còn 0,99% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông nghiệp tăng 3,42 lần so với năm 2008. Tỉnh đã dành nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên UBND tỉnh thấy rằng, đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và dồn sức đầu tư cao hơn, đồng bộ hơn. Rất cần có những DN mạnh của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản, tiếp cận nguồn vốn cho nông dân BR-VT đang là những vấn đề bức xúc, cần có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ kịp thời. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sắp tới, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét để ban hành Nghị quyết mới về “Tam nông”, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm lập nước - Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân luôn luôn coi “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn có vị trí chiến lược” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra một câu hỏi, cũng là mục tiêu để cả nước phấn đấu: “Việt Nam có thể vào top 15 nền nông nghiệp tiên tiến của thế giới được không? Thủ tướng khẳng định: Chúng ta phải có khát vọng, phấn đấu để vươn tới mục tiêu này. Thủ tướng nêu 8 giải pháp đưa nông nghiệp Việt Nam bứt phá, theo đó thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển mạnh mẽ công nghiệp, dịch vụ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản; Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, có chiều sâu; Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; Quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về “Tam nông”; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Phát triển “Tam nông” là trách nhiệm, tình cảm, là sự sống còn của đất nước con Lạc cháu Hồng - giàu tiềm năng về lúa gạo, thủy hải sản, cây trái… Đồng lòng, đồng sức, Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn Việt Nam sẽ sánh vai cùng các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, trong tương lai không xa.

HẢI VÂN

 

;
.