Chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khi hiệp định CPTPP có hiệu lực

Thứ Hai, 12/11/2018, 16:46 [GMT+7]
In bài này
.

Hôm qua, ngày 12-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước đó, 6 quốc gia thành viên khác, gồm: Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Australia đã phê chuẩn hiệp định này, đáp ứng đủ điều kiện ít nhất 6 thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước. Quá trình đếm ngược 60 ngày (kể từ ngày 31-10)  cũng đã được kích hoạt và theo thỏa thuận Hiệp định CPTPPP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30-12-2018.

Hiệp định CPTPP là một thỏa thuận thương mại tự do được 11 quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nổi bật khu vực châu Á -Thái Bình Dương, gồm: Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam, ký kết hồi tháng 3-2018. Sau khi có hiệu lực, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới với quy mô dân số gần 500 triệu người, có tổng sản phẩm nội khối khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như lao động, môi trường, mua sắm của các chính phủ, các doanh nghiệp... Ngoài ra, CPTPP cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc cao và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước thành viên CPTPP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo cơ hội kinh doanh mới cho các DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của CPTPP, các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường của các đại biểu QH đều tập trung phân tích, làm rõ những cơ hội và thách thức trong quá trình thực thi hiệp định. CPTPP là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thêm việc làm cho người lao động và tăng lợi nhuận cho các DN. Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những ưu đãi vàng mà CPTPP mang lại thì thách thức của nền kinh tế nước ta nằm ở năng lực cạnh tranh. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của CPTPP, đồng thời chịu những tác động không thuận của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, chiến tranh thương mại leo thang, việc Hiệp định CPTPP được phê chuẩn và có hiệu lực vào cuối năm nay thực sự là một cơ hội lớn đối với các DN nước ta; là dịp để các DN Việt Nam học hỏi và cạnh tranh với DN của các nước thành viên CPTPP. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh cũng chính là cơ hội để các DN tự nâng cấp theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Do đó, ngay từ bây giờ, các DN nước ta cần chủ động chuẩn bị tâm thế cạnh tranh trên các lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ra sức phát huy tư duy sáng tạo, tư duy đổi mới và sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh. Các DN, kể cả DN nhỏ và vừa, chú trọng xây dựng kế hoạch tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt xây dựng thương hiệu, uy tín và chất lượng sản phẩm. Để tận dụng được các lợi ích và thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào khu vực thị trường rộng mở, các DN cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, thông tin của Hiệp định CPTPP, từ đó nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng mà các DN nước ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

HOÀNG LÊ

 

;
.