Mặc dù đến thời điểm này chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại sau bão số 9, tuy nhiên thông tin ban đầu cho thấy, chưa có thiệt hại về con người. Đây cũng chính là chỉ đạo của tỉnh BR-VT trước khi bão đổ bộ: Tất cả các phương án ứng phó với bão đều phải đặt việc bảo đảm tính mạng của người dân lên hàng đầu.
Bão số 9 tuy không có sức tàn phá gây thiệt hại nặng nề như một số cơn bão trước đây, nhưng cả chính quyền lẫn người dân đã rút ra nhiều kinh nghiệm giúp việc ứng phó với bão diễn ra nhanh, hiệu quả. Trên tinh thần trực xuyên đêm để ứng phó bão số 9, Ban chỉ đạo Trung ương đã cùng trực với tỉnh để chủ động và Ban chỉ huy các địa phương cũng sẵn sàng trực chiến để ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Các phương án được triển khai với một tinh thần “cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu - chủ quan một chút đã thừa”, nhất là với phòng chống thiên tai, không để những cái rủi ro, đáng tiếc xảy ra đã được thống nhất từ tỉnh xuống tận cơ sở.
Chính quyền đã huy động đồng loạt các lực lượng với đủ mọi phương tiện để lo cho dân, “bằng tất cả các biện pháp” như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Trong khi người dân đã biết cách tự mình “sống chung với bão” thì với chính quyền, phương châm chống bão “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) đã được triển khai phát huy mạnh mẽ với sự hợp tác của dân. Gần 160.000 người dân đã được sơ tán, di dời trước khi bão đổ bộ. Các địa phương đã chuẩn bị đủ số lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho người dân tại các nơi tránh trú bão. Tàu thuyền đánh bắt được khẩn trương thông báo từ sớm, vào nơi tránh trú an toàn. Thậm chí, tại một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo đã đến các vùng xung yếu trên địa bàn, vận động người dân di dời đến nơi an toàn để tránh trú bão, kêu gọi những người rời tàu trở về nhà sau khi vào bờ, neo tàu trật tự để chống va đập khi có gió mạnh. Loa phát thanh cảnh báo về thời tiết ở các khu dân cư phát liên tục trong những ngày trước bão. HS được nghỉ học… Nhiều câu chuyện tuy nhỏ nhưng rất đậm tình nghĩa được các phóng viên Báo BR-VT ghi nhận. Ngay từ tối 24-11, cùng với các trụ sở khu phố, phường, xã, trường học, bệnh viện... thay vì đóng cửa để phòng chống bão thì nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn TP.Vũng Tàu đồng loạt mở cửa để đón người nghèo, người không có chỗ ở, hoặc thuộc diện phải di dời vào tránh trú mưa bão an toàn. Đó là khách sạn Fita Cao Su, khách sạn Đức Anh hay các chung cư trên địa bàn TP.Vũng Tàu, tất cả đều mở rộng cửa đón người dân.
Điều quan trọng rút ra từ việc phòng chống bão số 9 là người dân đã tự mình “sống chung với bão”. Có lẽ từ sau thiệt hại nặng nề về người và tài sản của cơn bão Durian năm 2006, người dân đã có kinh nghiệm, hiểu và vào cuộc chiến ứng phó đồng loạt, cấp bách. Cuộc chiến đó diễn ra ở từng gia đình, từng khu phố, từng đô thị, từng vùng biển. Nhà nhà đã chủ động đối phó với bão bằng nhiều cách khác nhau, nhiều thì chằng chống nhà cửa thành một khối, ít thì vài bao cát kéo lên mái nhà. Tinh thần phòng chống bão diễn ra khẩn trương như thời chiến. Trong khi đó, bộ đội, công an, dân quân và chính quyền có mặt ở các điểm xung yếu. Mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất trước khi bão đến.
Sau cơn bão số 9, sẽ có thêm nhiều bài học ứng phó với bão. Bởi biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường hơn. Bình quân mỗi năm, nước ta đón hơn chục cơn bão. Còn tại BR-VT nếu như trước đây ít bị ảnh hưởng vì bão thì nay bão đã “ghé thăm” nhiều hơn. Do vậy, trước thiên tai, con người chỉ hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản khi toàn dân và từng gia đình vào cuộc, luôn trong tinh thần “sẵn sàng ứng phó”.
LAM GIANG