Sáng nay, tôi vừa bị từ chối hai cuộc hẹn trong tâm thế hết sức… vui vẻ!
Một chị nguyên là cán bộ Thanh tra Sở GD-ĐT một thành phố lớn cho hay, chị đang chủ trì một chương trình về quê thăm thầy giáo chủ nhiệm thời cấp 3 với các bạn bè cùng lớp. Thầy ngoài 80, trò cũng đã ngấp nghé tuổi 70. Và đây là chuyến thăm thầy cũ, trường xưa đã trở thành nếp sinh hoạt thường niên của lớp chị hơn 10 năm nay. Ban đầu, chỉ là những lần họp mặt thăm hỏi, ôn chuyện cũ xưa. Những lần gặp sau đều là một câu chuyện thú vị khi các bạn lớp chị lần lượt đề xuất: Kết hợp đưa thầy đi thăm lại các thầy cô là bạn đồng niên của thầy ngày xưa;
Đưa thầy đi khám sức khỏe, đặt lịch cho thầy đến bác sĩ để đo thính lực, thị lực và cắt kính lão, mua máy trợ thính tặng thầy; Cùng thầy đi tham quan bảo tàng, đi nghe nói chuyện sách mới xuất bản; Trao quỹ học bổng giúp học sinh nghèo mà thầy là chủ tịch danh dự của quỹ… Thậm chí, các anh chị còn tậu một con bê, rồi chung tay làm chuồng ở sân sau nhà thầy, để thầy có thêm một niềm vui nho nhỏ ở tuổi về già.
Cuộc từ chối thứ hai cũng rơi đúng vào câu chuyện chúng tôi mời cô giáo dạy Hóa hồi cấp 3 của tôi dự một cuộc họp mặt thân mật với các đại gia đình học trò. Gọi là đại gia đình học trò bởi chúng tôi, có đến 2-3 thế hệ trong một gia đình đều là học trò của cô. Ví dụ như gia đình tôi có đến 5 anh chị em đều học qua cô những năm cấp 3, các cháu con anh chị tôi và cả 2 bé con tôi đều được học với cô. Sau khi về hưu, từ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, cô nhận lời thỉnh giảng tại một số trung tâm luyện thi đại học, nhưng cô luôn nhắc với nhân viên ghi danh của trung tâm “có bé nào nhà khó khăn cứ báo với cô, để cô đề nghị trung tâm miễn học phí nha em”. Và chuyện đó đới với thế hệ chúng tôi không có gì lạ. Bởi vì những năm 1980-1985, khi kinh tế cả nước còn khó khăn, cô phải hàng đêm chong đèn may áo, sang sợi vải, làm bánh, làm kem… để tăng thêm thu nhập, thì cô cũng đã từng không nhận học phí cả nhóm học sinh lớp chúng tôi. Cô từng tìm những chiếc cặp cũ, sách cũ, rồi cả may áo tặng cho học sinh mỗi đầu năm học: “Cứ thấy các em mặc áo đẹp, có cặp sách tung tăng tới lớp là cô vui”. Đối với chúng tôi ngày ấy, tấm áo, chiếc cặp là cả một gia tài. Và nó chính thức trở thành báu vật khi được trao tặng từ tay của những người thầy cần mẫn sớm khuya dạy dỗ chúng tôi nên người. Hôm nay, lời cáo lỗi của cô khi không nhận dự cuộc vui vì đang đúng vào lượt cô và nhóm bạn cũng là các cô giáo đồng nghiệp về hưu của cô nhận ca đi chợ, làm bếp và ra cơm cho quán ăn từ thiện. Đó là quán cơm 2.000 đồng mang tên Thiện Tâm (74/26, Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) được nhiều người dân Vũng Tàu biết đến. Trong không gian nhỏ nhắn của quán là các dãy bàn ghế luôn sạch gọn, ấm cúng với những xửng cơm hấp nóng sốt, những món tôm, cá, thịt, trứng kho, rau xào ngon mắt, vừa miệng. Để duy trì được hoạt động của quán, các cô vận động nhau và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiền, gạo, gia vị và bố trí người nấu, bưng bê, rửa dọn, không nề hà sức khỏe hay lo ngại tuổi tác, vị trí. “2000 đồng chỉ là cái cớ để chia sẻ và chăm lo thôi em à. Vậy mà ngày nào cũng được 290-300 suất. Nhìn mọi người dùng cơm ngon miệng, các cô rất vui, tràn ngập hạnh phúc - vừa chia cơm ra các đĩa, cô kể: “Hội các cô giáo về hưu của các cô còn đi làm công quả cho các chùa, đến thăm, tặng quà cho trẻ em, cụ già neo đơn sống ở các trung tâm bảo trợ trong và ngoài tỉnh. Có lẽ cái duyên của các cô là làm tất cả những gì đem lại cho người xung quanh sự ấm áp, sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm. Khi còn đi dạy, cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy học trò mình về lối sống. Nên suốt cuộc đời mình, cô cũng muốn mình sống thật tử tế, như một cách để nêu gương như một đòi hỏi đặc biệt của nghề dạy học”.
Có lẽ cũng với cách nghĩ đó, rất nhiều thầy cô giáo - đã thật sự in đậm trong lòng học sinh hình ảnh cao đẹp của NHÀ GIÁO trong một niềm kính trọng vô bờ bến. Người thầy của thế hệ chúng tôi đã cho đi những yêu thương, trách nhiệm, để nhận lại những lứa học trò sống trọn vẹn trong đạo lý thầy – trò. Nhận lại của xã hội lòng biết ơn khi chính các thầy cô đã là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, về tình người, đang rất cần được vun đắp - mỗi ngày, để chảy mãi dòng chảy yêu thương và trách nhiệm qua các thế hệ.
THÁI AN