Đến năm 2020, có 40% trẻ em trong độ tuổi TH và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em; giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015. Đây là các mục tiêu cụ thể nêu trong Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020”.
Thực hiện quyết định trên, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch số 801/KH-BGDĐT triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em giai đoạn 2016-2020 của ngành giáo dục, với các mục tiêu: Hàng năm, giảm từ 5% đến 10% số HS bị TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. 70% trở lên các trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS tổ chức, hướng dẫn HS tham gia các lớp học bơi trong và ngoài nhà trường; nhà trường có kế hoạch triển khai mô hình dạy, học bơi an toàn phù hợp tại trường. 70% trở lên HS được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Tăng dần tỷ lệ học sinh TH, THCS được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối. 100% trường học đóng tại địa bàn có bể bơi, hồ bơi, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi cho HS.
Trên địa bàn tỉnh BR-VT, ngoài các bãi biển, còn có nhiều sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch nước sâu nguy hiểm. Trong đó, có những hồ nước được hình thành từ việc khai thác cát, đất, đá để lại. Trẻ em thường xuyên đến tụ tập, vui chơi những nơi này. Hàng năm, đều có các vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Do vậy, việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ em trong độ tuổi TH và THCS là vấn đề cần được quan tâm.
Trước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019, Thường trực Tỉnh ủy BR-VT có Thông báo số 1359-TB/TU ngày 15-6-2018 yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn của ngành GD-ĐT tỉnh, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thể thao học đường. Bắt đầu từ năm học 2018-2019, tất cả các trường phải lựa chọn, bố trí ít nhất 4 môn thể thao ngoài trời (bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi lội, võ thuật…) cho HS; hiệu trưởng các trường dự trù kinh phí, tận dụng mọi không gian hiện có của trường để lập đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, các trường cần huy động các huấn luyện viên thể thao để hướng dẫn, tập luyện cho HS; những không gian thể thao của trường phải mở cửa vào cuối mỗi ngày, vào thứ Bảy, Chủ nhật để HS vào chơi”. Nội dung thông báo này cho thấy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề rèn luyện thể chất cho các em HS song hành cùng với giáo dục tri thức. Trong đó có môn bơi lội, nhằm nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho HS.
Toàn tỉnh có khoảng gần 500 trường trung học, tiểu học và mầm non, nhưng hiện chỉ có 25 trường có hồ bơi. Trong đó, 13 hồ bơi được đầu tư bằng vốn ngân sách, 1 hồ bơi được tài trợ, 11 hồ bơi cố định và bể bơi di động đầu tư bằng vốn tư nhân theo hình thức xã hội hóa. Trong quá trình vận hành hồ bơi, các trường thực hiện thu tiền từ phụ huynh HS, nhưng mức thu không đủ bù chi phí duy tu bảo dưỡng, nên nhiều hồ bơi hoạt động không hiệu quả.
Nhằm đẩy mạnh việc dạy bơi, từng bước xóa “mù” bơi cho HS, trẻ em của tỉnh, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, bố trí kinh phí vốn ngân sách cho các trường đầu tư vào việc dạy bơi. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường học để tổ chức việc dạy bơi phù hợp; không nhất thiết mỗi trường đều phải có hồ bơi, mà có thể sử dụng không gian sinh hoạt cộng đồng để xây dựng thêm các công trình dạy bơi ở từng địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần tích cực hợp tác với nhà trường, chính quyền địa phương trong việc tổ chức dạy bơi cho HS, trẻ em.
NHỰT THANH