Tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Thứ Hai, 29/10/2018, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những ngày vừa qua, cử tri cả nước theo dõi các hoạt động tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV với mối quan tâm đặc biệt, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào chương trình nghị sự của kỳ họp, nhất là các vấn đề quốc kế dân sinh mà Quốc hội sẽ dân chủ thảo luận và quyết nghị.

Thảo luận tại tổ và tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch 2019 và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, chủ đề được các đại biểu QH tập trung phân tích, làm rõ là tìm và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để GDP tăng bền vững. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 12 chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, ước cả năm GDP vượt chỉ tiêu 6,7%. GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD vào cuối năm nay, tăng gấp 1,21 lần so với năm 2015.

Phân tích và giải trình của các đại biểu QH cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hướng giảm dần các năm gần đây (năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 61,4% GDP) thì nợ Chính phủ lại tăng, hiện chiếm 52,8% GDP, trong khi trần là 54% GDP. Điều lưu ý được các đại biểu QH chỉ rõ, mặc dù tổng thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán gần 1,4 triệu tỷ đồng, thì lại hụt thu tại 3 khu vực kinh tế quan trọng là doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân.

Trăn trở trước những vấn đề cấp bách và đáng lo ngại hiện nay về động lực tăng trưởng có dấu hiệu chững lại và đang suy giảm năng lượng nội sinh, nhiều đại biểu cho rằng, nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, chậm trễ trong cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và nguồn lực trong dân, thì việc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta.

Tìm và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các bộ, ngành, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, chuyển dịch nhanh các dòng chảy quan trọng của nền kinh tế, như đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN để phân bổ lại nguồn lực, chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ... Theo đó, có 3 động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là cải cách thể chế, tăng năng suất lao động và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó, cải cách thể chế là quan trọng nhất. Làm rõ nội hàm và phân tích sâu hơn các động lực quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Cải cách thể chế là động lực mang tính nền móng, căn bản; nâng cao năng suất lao động là nhân tố cốt lõi, có vai trò quan trọng nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng; còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân là động lực mang tính dài hạn, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, tính năng động của nền kinh tế, góp phần thích ứng nhanh với những biến động quốc tế.

Thời gian qua, công cuộc cải cách thể chế ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng, đồng thời thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh “dư thừa” trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ, tạo động lực và sự yên tâm cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội “ngàn năm có một” để mọi ngành, mọi lĩnh vực tận dụng nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Theo đánh giá chung, trong nhiều năm qua kinh tế tư nhân đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm và vẫn chưa thật sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế để xác định hướng đi, trong đó có việc cần quan tâm đến nền kinh tế thị trường, nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0 và xử lý các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn, việc tìm ra giá trị gia tăng cao rất quan trọng, vì nếu không tìm giá trị gia tăng thì sẽ “luẩn quẩn mãi”.

HOÀNG LÊ

 

;
.