Siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng

Thứ Ba, 16/10/2018, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.
Tuần rồi, phát biểu trong phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã đề nghị Chính phủ làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung và các công trình giao thông nói riêng. Dẫn ví dụ về tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, vừa mới đưa vào sử dụng vào đầu tháng 9-2018 nhưng đã bị hư hỏng nghiêm trọng, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Vì sao chất lượng các công trình làm thì lâu mà xuống cấp lại quá nhanh? Câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!

Thống kê trong thời gian gần đây cho thấy, nhiều công trình xây dựng sau khi đưa vào sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp. Một tuyến đường, kinh phí đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng vừa mới đưa vào khai thác đã lún sụt, bong tróc. Một cây cầu đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì mố cầu bị lún, mặt cầu, đường dẫn dày đặc “ổ gà”, “ổ trâu”. Một ngôi trường vừa mới xây đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, nhiều hạng mục chưa sử dụng đã có dấu hiệu hư hỏng. Một căn nhà tình nghĩa, tình thương mới bàn giao mà tường nứt, gạch nền bong, khu vệ sinh tắc. Bên A, bên B nghiệm thu công trình linh đình, trao tay những món quà xong rồi… đường ai nấy đi. Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, giám sát không chịu trách nhiệm gì về chất lượng công trình nữa, mặc cho dư luận đặt vấn đề, thắc mắc. Công trình sau này tu đi sửa lại, có khi tiêu tốn hàng chục lần hơn dự kiến ban đầu, thì đó là vấn đề của… ngân sách!

Ai cũng biết mỗi công trình đều có ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công. Trên nguyên tắc, công trình nào có những sai phạm, thất thoát, lãng phí, kém chất lượng là ban quản lý dự án đó phải chịu trách nhiệm, Nhà nước “cứ anh đó mà gõ”. Từ khi xây dựng đến khi hoàn thành, công trình luôn chịu sự giám sát của giới chuyên môn. Ở giai đoạn cuối, công trình còn phải qua sự giám sát chặt chẽ của hội đồng nghiệm thu. Thế nhưng, nhiều công trình khâu giám sát đã bị buông lỏng, hội đồng nghiệm thu cũng chỉ đóng vai trò hợp thức hóa chất lượng những công trình đã hoàn thành chứ thực tế không kiểm tra chặt chẽ. Đối với những người có lương tâm và trách nhiệm, tâm huyết với nghề, đây quả thực là một thực tế đáng buồn và đáng xấu hổ.

Cạnh tranh trong cơ chế thị trường, các nhà sản xuất mong muốn nâng cao uy tín của mình đối với khách hàng nên đã thực hiện chế độ bảo hành cho các sản phẩm của mình: Từ cái đồng hồ, máy ghi âm, nồi cơm điện, cái quạt bàn cho đến tủ lạnh, ti vi, xe gắn máy, xe hơi. Mỗi sản phẩm chính hãng được bán ra từ nhà sản xuất đều được kèm theo phiếu bảo hành, với những hướng dẫn rất cụ thể, như địa chỉ bảo hành, điều kiện bảo hành, thời gian đáp ứng việc bảo hành, trách nhiệm và quyền lợi của khách hàng...

Thế nhưng, với các công trình giao thông, các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công đã không hành xử có trách nhiệm như thế. Họ đổ thừa xe quá tải kết hợp với thời tiết cực đoan là “thủ phạm” khiến cho nhiều tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. Với các công trình sử dụng vốn ngân sách khác, họ cũng tìm một lý do gì đó hợp lý để né trách nhiệm. Kỳ thực, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các công trình mau xuống cấp vẫn là do công tác thiết kế, thi công, giám sát, quản lý chất lượng “có vấn đề”!

Thực tế sớm xuống cấp của các công trình vừa mới xây dựng đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ siết chặt chế độ trách nhiệm và cả luật lệ rõ ràng về việc thi công, bảo hành cho các công trình ấy, giống như các nhà sản xuất hàng hóa đã làm. Cũng đã đến lúc xác định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia từng khâu trong quá trình thi công, xây dựng các công trình, qua đó mạnh tay chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu thiếu năng lực, chậm trễ tiến độ, “cấm cửa” tham gia đấu thầu các dự án đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, cần thiết xử lý những sai phạm trong quản lý chất lượng các công trình xây dựng một cách quyết liệt, triệt để. Đó là cách để người dân yên tâm đóng thuế mà không nghĩ những đồng tiền thuế của mình không rót vào những chiếc túi không đáy.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.