Quyết liệt chấn chỉnh đầu tư công

Thứ Ba, 30/10/2018, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 29-10 về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công (ĐTC), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, lo lắng tình trạng ĐTC còn dàn trải, chưa có trọng điểm, nặng về cơ chế xin - cho, gây áp lực lên ngân sách Nhà nước vốn đã eo hẹp lại phải chịu áp lực lớn hơn.

Một loạt dự án ĐTC chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả đầu tư kém, lãng phí nguồn lực, gây bức xúc lớn trong dư luận đã được nhiều đại biểu QH dẫn ra để chứng minh cho nhận định của mình. Mỗi đại biểu một góc nhìn, soi chiếu vào những bất cập của hoạt động ĐTC trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công cao, bội chi lớn, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp. Đó là thời gian tới nên có sự đầu tư tập trung, tránh dàn trải; Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể đầu tư, không muốn đầu tư hoặc không được phép đầu tư; Các dự án nên có sự phối hợp của nhiều địa phương trong cùng khu vực để gắn kết, lan tỏa, hiệu quả. Ngay từ khi lựa chọn dự án thì phải đánh giá đầu ra và hiệu quả; Tăng cường giám sát việc chi ngân sách và ĐTC, tránh tình trạng dự án cứ lập ra nhưng không thể thực hiện được vì không bố trí được nguồn…

Đó thực sự là những ý kiến tâm huyết,giàu tính thuyết phục!

Cách đây chưa lâu, tại phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đại diện Bộ KH&ĐT công bố những con số đáng “giật mình”: 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu thất thoát, lãng phí, không hiệu quả. Dẫn đầu danh sách là các dự án ngàn tỷ đồng trên lĩnh vực phát triển hạ tầng, xây dựng bất động sản, sản xuất công nghiệp; Lĩnh vực nông nghiệp đứng thứ 2 về số dự án nguy cơ thua lỗ, với 33 dự án tạm dừng hoặc sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Không chỉ tại kỳ họp này mà từ nhiều kỳ họp trước của Quốc hội, nhiều đại biểu QH đã liên tục báo động tình trạng thất thoát, lãng phí trong ĐTC trong bối cảnh Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra những con số báo động: Tỷ lệ thất thoát vốn ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản rơi vào các khoản hoa hồng quà cáp, lễ lạt động thổ, nghiệm thu, khánh thành, ăn bớt nguyên liệu, “công tác phí” lên tới 20% tổng vốn. Các dự án ra đời từ ý muốn chủ quan nông cạn, tính phô trương bắt chước cũng như thói ăn theo dự án vẫn không hề giảm, việc vung tay ném tiền qua các công trình, dự án vẫn tiếp tục diễn ra. Đáng lo ngại là việc xử lý, chế tài đối với những cơ quan và cá nhân gây nên những thất thoát, lãng phí đó vẫn chưa cụ thể, thiếu cương quyết, gây bức xúc cho cử tri và dư luận. 

Tình trạng lãng phí, thất thoát trong ĐTC thể hiện ở việc thủ tục ĐTC quá rườm rà, qua quá nhiều tầng nấc trung gian, chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để… cho thấy Luật Đầu tư công chưa đi vào cuộc sống.

Quan niệm về ĐTC vẫn có sự lệch lạc, quá trình quản lý dự án đầu tư công, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa dự án vào vận hành thực sự chưa hiệu quả; Cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện đầu tư công chưa được chú trọng đúng mức; Bất cập trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Sự lãng phí, kém hiệu quả trong ĐTC đã dẫn đến một nghịch lý cho nền kinh tế: tỷ lệ đầu tư tăng cao nhưng tốc độ tăng trưởng giảm.

Đã đến lúc thay đổi phân bổ nguồn lực theo trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật; Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch - nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời những dự án dàn trải, kém hiệu quả. Và, điều quan trọng là cần một “liều thuốc” mạnh hơn, đó là điều tra, xử lý nghiêm những người gây nên những thất thoát, lãnh phí cho những dự án ĐTC.

ĐTC là cần thiết, vấn đề là cần phải biết đầu tư cái gì, đầu tư vào lĩnh vực nào để tạo điều kiện động lực cho nền kinh tế phát triển. Nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong ĐTC đã được chỉ rõ, đã gọi đúng tên và có địa chỉ rõ ràng, vấn đề còn lại là sự quyết tâm, điều mà lúc nào chúng ta cũng có thừa trong lời nói nhưng quá thiếu trong hành động.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.