Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ và Người đã cùng với Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm cũng như phát huy sức mạnh to lớn của phụ nữ nhằm đưa dân tộc ta đi lên, từng bước tiến kịp thời đại.
Suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao công lao của phụ nữ “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay, mỗi khi nước nhà nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Người trân trọng với những gì mà phụ nữ đã cống hiến cho đất nước “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Thật hiếm thấy ở đâu lại sản sinh hình ảnh phụ nữ “ba đảm đang” như ở nước ta, Người từng tôn vinh, rằng “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sản xuất”; “Trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…” phụ nữ tham gia ngày càng đông, họ thật xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Người từng nói: Gia đình là tế bào của xã hội và trong tế bào đó phụ nữ là người giữ ngọn lửa hạnh phúc, duy trì nòi giống và là người thầy đầu tiên xây đắp những giá trị nhân cách cho con cái. Người rất tự hào về điều đó “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc”. Để vai trò của phụ nữ được phát huy, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã thực hiện cuộc cách mạng giải phóng nhằm làm cho “Phụ nữ phải tham gia vào các cấp chính quyền, vào bộ máy lãnh đạo các ngành từ cơ sở đến Trung ương, vào ban quản trị”. Và rộng lớn hơn như Người nhận định: Muốn xây dựng CNXH “Nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”. Bởi “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa dân số nước ta”, “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”!
Tiềm năng sức lực, trí tuệ của phụ nữ rất lớn, nhưng “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là sai” và Người khuyên “Bác mong rằng các đồng chí hãy thật thà sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ”. Trước khi đi xa, Người còn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”, “Các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên, đoàn viên phụ nữ”.
Phụ nữ “còn gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”, nhưng điều quan trọng hơn theo Người: Phụ nữ đứng lên tự giải phóng mình còn vướng lực cản từ những nhược điểm “bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình”. Do vậy, phụ nữ “không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quan tâm học tập, phát huy sáng kiến”, “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có bước chuyển mạnh mẽ nhận thức về vai trò của phụ nữ và đã có nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách phát huy sức mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bản thân người phụ nữ đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, họ không chỉ là người vợ, người mẹ “đảm việc nhà” mà còn “giỏi việc nước”, bởi phụ nữ đảm trách nhiều vị trí quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của đất nước và từng bước sánh ngang hàng với nam giới. Trong bối cảnh mới, để giải phóng phụ nữ, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội thì bản thân người phụ nữ cần tiếp tục vươn lên tự khẳng định mình như lời Bác dạy “Chị em phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà. Phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nhiệm vụ mới của mình”.
NGUYỄN QUANG PHI