Nhớ lời Bác: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Chủ Nhật, 14/10/2018, 17:26 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 15-10-1949, Báo Sự thật, số 120, đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Chỉ vẻn vẹn hơn 600 từ, nhưng đó là những tư tưởng lớn, mang tầm chiến lược và là kim chỉ nam cho công tác dân vận trong suốt chiều dài đấu tranh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong kho tàng tư tưởng và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch 

Hồ Chí Minh, không có gì được đề cập nhiều hơn bằng hai từ “nước” và “dân”. Người yêu dân, thương dân, tin dân và cả cuộc đời Người nặng lòng, gắn bó với nước, với dân. Người luôn nhất quán với quan điểm “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Từ rất sớm Người đã nhận thức đầy đủ sức mạnh to lớn của nhân dân, sức mạnh đó là vô địch và vô cùng, vô tận.

Người từng nói “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong” và khẳng định “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng”, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Lực lượng của nhân dân rất to lớn, có dân là sẽ có tất cả, vì vậy “Việc dân vận rất quan trọng”, có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”!

Tư tưởng lớn về dân vận của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ luận điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Bằng những ngôn từ mộc mạc, gần gũi, Hồ Chí Minh đã cho mọi người, dù chưa biết chữ vẫn hiểu thấu đáo công tác dân vận. Người viết “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào… để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Trách nhiệm dân vận không chỉ là của tổ chức, cá nhân trong ban dân vận các cấp của Đảng, mà là của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Người chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Đối tượng dân vận là nhân dân, do vậy công tác dân vận phải mang tính khoa học. Bằng thực tiễn và thông qua hoạt động thực tiễn, Người đã đúc kết thành phương thức, quy trình công tác dân vận vừa mang tính logic khoa học, vừa ngắn gọn, cụ thể, vừa hàm xúc, dễ nhớ, dễ thực hiện. Người dạy: Trước mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc, công tác dân vận phải “giải thích cho người dân hiểu”. Khi dân đã hiểu công việc đó là lợi ích của họ và trách nhiệm của chính họ thì bàn bạc, hỏi ý kiến, học kinh nghiệm, cùng với dân xây dựng kế hoạch và “động viên, tổ chức nhân dân thi hành”; Quá trình thực hiện phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”; và hoàn tất quy trình công tác dân vận là: Sau mỗi nhiệm vụ “cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. 

Mục đích của dân vận là vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng trong xã hội “không sót một người dân nào” nhằm phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Vận động sức dân, tài dân, lực dân để phục vụ dân, nghĩa là dân vận phải hướng đến mục đích cao nhất: Phục vụ dân, mang lại lợi ích thiết thân, chính đáng cho dân. Dân vận là công tác vận động nhân dân, vận động con người, không chỉ đòi hỏi phải mang tính khoa học mà còn phải có tính nghệ thuật. Người khẳng định: Hiệu quả của dân vận trước hết bắt nguồn từ nghệ thuật “Dân vận khéo”. “Khéo” nghĩa là cán bộ làm công tác dân vận cần tuân thủ thực hành đúng các kỹ năng “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Để thu phục nhân tâm, cán bộ “dân vận khéo” phải luôn gần dân, tôn trọng, biết lắng nghe ý kiến của dân, mọi hoạt động đều vì dân “việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; gắn bó, nhiệt huyết, tận tâm với nghề; thành thạo quy trình nghiệp vụ; luôn suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả công tác; xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc quần chúng, dân chủ, khoa học theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” xứng đáng với thành quả của cách mạng; phấn đấu không ngừng để trở thành tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống “Lời nói đi đôi với việc làm; lời hứa đi đôi với thực hiện”. Nhân dân rất khâm phục, nể đức, nể tài cán bộ, đảng viên như vậy và nhân dân cũng chỉ có thể nghe theo, đặt niềm tin tuyệt đối và làm theo những mẫu hình cán bộ như vậy. 

88 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác và dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, phong trào “Dân vận khéo” đã và đang lan rộng ra cả nước với nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực, góp phần bảo vệ chế độ; Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; Xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới; Giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới, quyết tâm chính trị của Đảng là phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 thành nước công nghiệp hiện đại. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đó phụ thuộc vào sức dân và công tác dân vận của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” mãi là kim chỉ nam cho công tác dân vận nhằm thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của dân để hướng đến một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như lòng mong muốn của Người.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.