Anh là chủ doanh nghiệp lớn. Con cái hai đứa học ở nước ngoài. Nhà cửa, xe cộ đề huề, nói chung không thiếu thứ gì. Cuộc sống của anh chị thuộc vào hàng “thiên hạ ước mơ”. Tôi thử suy nghĩ hồ đồ, nếu nhu cầu vật chất của con người là có giới hạn, thì chắc cuộc sống của anh chị đủ sung túc để thỏa mãn những giới hạn đó rồi. Nghĩa là nếu chỉ để tận hưởng cuộc sống thì làm đến chừng đó đã là quá đủ.
Tôi với anh là chỗ họ hàng thân thuộc. Nhưng họa hoằn lắm mới có dịp gặp nhau. Lần nào đến nhà, anh cũng vắng mặt.
Khi gặp đối tác, khi lo việc này, lúc lo việc khác, hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Tôi có cảm giác, trong một ngày, anh dành thời gian cho chính mình có lẽ là 30 phút sau 5 giờ sáng, đó là lúc anh đạp xe ra biển Bãi Sau. Thói quen tắm biển là thứ anh không thể bỏ được. Ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn lúc 5 giờ. Và ngày nào cũng như ngày nào, sau buổi sáng cho riêng mình, thì anh lại “trằn” vào công việc, đến tối mịt mới về.
Tôi từng gặp rất nhiều ông chủ DN kiểu như anh. Giàu có, quyền lực, nhưng có cảm giác lúc nào cũng bị công việc chi phối. Như một ông chủ DN phân bón ở Phú Mỹ. Gặp nhau lần nào cũng chỉ thấy nói đến công việc. Có thể vòng vo đủ chuyện, nhưng cuối cùng vẫn là công việc. Ông có thể ngồi với nông dân cả ngày, trò chuyện với họ về cách bón phân cho cây tiêu, cây cà phê, cây lúa, nhưng đố mà đánh cắp được của ông một giờ cà phê, một chầu nhậu, chỉ thuần túy để tán gẫu.
Hẳn nhiều người nghĩ làm kinh doanh sẽ tự do, làm doanh nhân, làm một ông chủ DN hẳn sẽ không phụ thuộc vào ai. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của những ai chưa là doanh nhân thực sự. Có lần tôi hỏi anh: Sao không bớt thời gian nghỉ ngơi, du lịch. Anh chỉ cười: Anh là doanh nhân. Đó không phải là cái nghề, mà là cái nghiệp nó vận vào thân. Giống như người đã lên lưng cọp rồi. Bây giờ mà buông ra chút thôi thì anh em công nhân đói.
Cái thời dầu khí xuống đến đáy suy giảm. Khắp nơi cắt giảm nhân sự, công ty anh vốn là công ty cơ khí, phục vụ chủ yếu cho lĩnh vực dầu khí, nhưng kể cả lúc tận cùng khó khăn thì vẫn thấy anh vững chãi, say sưa hoạch định chính sách. Công nhân của công ty cũng không có ai mất việc. Thu nhập của cả mấy trăm con người trung bình vẫn hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Thỉnh thoảng qua facebook, thấy anh đăng hình anh em công nhân công ty miệt mài chế tạo sản phẩm bồn chứa để xuất ngoại. Hóa ra anh đã chuẩn bị sẵn từ thời điểm giá dầu dùng dằng đi xuống và kịp chuyển hướng kinh doanh. Nhờ đó công ty vẫn ổn.
Thực sự nếu để làm một việc gì đó mà không phụ thuộc vào ai, để tự do, tự tại... thì chắc chỉ có cách duy nhất là không làm gì cả. Những doanh nhân, họ không được nhiều tự do như ta vẫn lầm tưởng. Vì họ không chỉ là những người làm ra của cải cho xã hội, là trụ cột trong sản xuất vật chất, họ còn gánh trên vai những trách nhiệm xã hội lớn lao hơn những điều mà người ngoại giới có thể nhìn thấu được. Cho nên, cởi bỏ mọi rào cản, mọi thủ tục để bớt đi chút gánh nặng, tạo điều kiện cho doanh nhân làm ăn, DN phát triển chính là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của chính phủ kiến tạo.
Những điều này, thời gian qua cả nước đang hừng hực cắt giảm các thủ tục rườm rà, làm khổ DN. Thỉnh thoảng gặp anh, thấy anh nhẹ nhõm hơn vì vừa mới được tháo gỡ khó khăn này, khó khăn khác.Nhưng nhắc đến chính sách cho DN, vì DN thực sự thì anh vẫn còn nhiều băn khoăn. Anh không nói ra hết, nhưng đại khái vẫn là chuyện hỗ trợ về vốn liếng, chuyện nhìn nhận giữa DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Anh tự tin rằng, ở Việt Nam không thiếu DN hoài bão lớn, công nhân có tay nghề cao, đủ sức vươn tầm thế giới và nếu được hỗ trợ phát triển nhiều hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước.
Có lẽ tâm sự, suy nghĩ của anh cũng giống nhiều doanh nhân Việt.
PHAN HÀ