Điện thoại thông minh, được và mất

Thứ Tư, 03/10/2018, 17:11 [GMT+7]
In bài này
.

Đời sống văn hóa - tinh thần, tình cảm lứa đôi và bao sự giao tiếp xã hội khác của kỷ nguyên số, thời đại công nghiệp 4.0, thông qua điện thoại thông minh và máy tính bảng, được gì và mất gì?

Một nhóm bạn trẻ BR-VT đã kết nối giao lưu qua một “Group” mạng xã hội cho rằng, với điện thoại thông minh và máy tính bảng, cái được là chủ yếu, thật tuyệt vời.

Tuy nhiên cái mất - tác hại của nó không hề nhỏ. Rốt cuộc, đời sống văn hóa - tinh thần trong kỷ nguyên số, mọi thành viên trong xã hội, trước hết là người trẻ cần nhận biết nó, để cái gì được thì tận dụng và phát huy; cái gì mất - nguy hại thì chủ động phòng tránh. Đó là thái độ khoa học, đúng đắn, giành quyền chủ động trong cuộc sống, khi cả đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mọi người đang trên “Chuyến tàu tốc hành 4.0”. Nếu có ai đứng ngoài chuyến tàu đó, tụt hậu và thua thiệt là cái chắc, theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cái được, nói chính xác là lợi ích cơ bản của điện thoại thông minh đã quá rõ. Điện thoại thông minh rất tiện ích trong giao dịch, kết nối xã hội làm cho thế giới trở nên “phẳng”, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… rất tiện ích. Cuộc cách mạng 4.0, sự ra đời của máy tính bảng, điện thoại thông minh - nhiều chủng loại, nhiều hệ, thông qua Internet, mạng xã hội giúp con người xích lại gần nhau, tương tác với nhau. Chỉ một chiếc điện thoại thông minh trong tay, mọi nơi mọi lúc, chủ hàng và khách hàng dễ dàng ký kết hợp đồng, giao dịch, chuyển tiền. Thông qua điện thoại thông minh, du khách tự đặt phòng nghỉ, tự đặt tiệc, tìm kiếm phương tiện đi lại ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể phát động các cuộc xuống đường, có khi chỉ bằng sự kích động nhỏ và có thể làm bùng nổ cách mạng Nhung, cách mạng Hoa Lài kiểu “Mùa xuân Ả Rập” mấy năm trước ở khu vực Bắc Phi. Có thể viết cả pho sách, với hàng triệu ví dụ về tiện ích và “sức mạnh khôn cùng” từ chiếc điện thoại thời nay.

Bên cạnh  cái được thì  cái mất từ chiếc điện thoại thông minh, từ chiếc máy tính bảng là không hề nhỏ, đang được cả thế giới báo động, đưa ra những thông điệp cảnh tỉnh, như nhóm bạn trẻ BR-VT đã chuyển tải. Ngày 1-10, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) chuyển đi lời cảnh báo: Kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu thị trường Embrain vừa công bố, cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người cho rằng, con người đang trở nên quá lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 59. Hoạt động chính của người dùng trên các thiết bị thông minh là nhắn tin trò chuyện, tiếp đến là xem tin tức và mua sắm qua mạng. Nhiều học giả chỉ ra rằng việc lạm dụng thiết bị thông minh làm giảm chức năng não bộ, khiến con người trở nên trầm cảm, ít giao tiếp hơn, có đời sống tình cảm khô khan hơn (!).

Trên màn ảnh truyền hình, người ta chứng kiến nhiều hình ảnh, trước và sau bữa cơm tối, nhà có nhiều thành viên, mỗi thành viên một chiếc điện thoại để truy cập mạng xã hội, chẳng có ai nói chuyện với nhau; kể cả trẻ nhỏ cũng chăm chú vào điện thoại, hoặc để trò chuyện, hẹn hò với bạn bè, hoặc để giải trí, chơi game. Buổi sáng, bạn bè rủ nhau đến quán cà phê, chỉ được dăm ba phút đầu là trò chuyện với nhau, sau đó ai cũng chú ý vào màn hình điện thoại, chẳng còn có ai rủ rỉ chuyện trò với nhau như thuở nào. Cả một xã hội, cả một thế giới đương đại đang “Hội chứng điện thoại”!

Các nghiên cứu mới đây ở Anh, Mỹ, Đức, Bắc Âu… cho thấy khoảng 2/3 dân số nghiện điện thoại thông minh, trung bình mỗi người mất từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày để lướt điện thoại. Không thể phủ nhận vai trò tích cực, sự cần thiết của điện thoại thông minh. Nhưng chúng ta cũng không thể coi thường, xem nhẹ tác động tiêu cực của chúng. Nghiện điện thoại quá mức gây nguy hại cho sức khỏe, tình cảm, tiêu phí thời gian, là điều rất không nên. Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo phải nghiêm khắc với con cái, với học sinh, không để cho trẻ em “say”, “nghiện” điện thoại.

Toàn xã hội, nhà trường, gia đình, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ càng phải gương mẫu trong việc sử dụng thiết bị điện tử thông minh; tăng cường kiểm soát con em mình sử dụng điện thoại thông minh hợp lý, chừng mực. Hãy cảnh tỉnh trước khi quá muộn!

TRIÊU DƯƠNG

 

;
.