Ngày 31-10-2018 là hạn chót Chính phủ yêu cầu ban hành các nghị định cắt giảm 50% của hơn 5.700 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện có.
Hơn 2 tháng trước, ngày 15-8 cũng được chốt là “hạn chót” để các bộ ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên do số thủ tục được cắt bỏ mới chỉ đạt 12,5% nên mới có sự gia hạn nói trên.
“50% của hơn 5.700 ĐKKD hiện có” có nghĩa là các bộ ngành phải cắt giảm hơn 2.800 ĐKKD, một khối lượng công việc không nhỏ trong khi chỉ còn một tuần nữa là đến “giờ G”. Nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngại việc cắt giảm ĐKKD ở một số bộ ngành là khó khả thi!
Từ nhiều năm nay, ĐKKD hay còn gọi là “giấy phép con” luôn là nỗi ám ảnh của nhiều DN. Kể từ tháng 6-2016, khi “chiến dịch” cắt giảm ĐKKD được Chính phủ khởi động, nhiều bộ ngành đã bắt tay thực hiện. Sau Bộ Công Thương gương mẫu đi đầu, cùng một lúc cắt giảm tới 675 trong hơn 1.220 ĐKKD, lần lượt các Bộ NNPTNT, Y tế, Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng… đã cắt giảm hàng ngàn ĐKKD, góp phần gỡ khó cho DN. Tuy vậy, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” vẫn hiện hữu, tính cải cách trong các phương án rà soát ĐKKD chưa thực sự triệt để, tiến độ “cởi trói” cho DN vẫn rất chậm chạp, chưa có sự đồng đều giữa các bộ ngành.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ý kiến phản ánh của một DN, rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà. Và người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết “giấy phép con, giấy phép cháu”, không thể để tình trạng thủ tục bán gà lại lâu hơn nuôi gà.
Trên thực tế, việc cắt giảm các ĐKKD chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Một số bộ ngành còn viện dẫn nhiều lý do để giữ giấy phép con; Việc cắt giảm không thực chất, còn cài cắm câu chữ để bẫy DN, mang tính hình thức hơn là vì mục tiêu cải cách, vì DN; Một số điều kiện được tính là cắt bỏ nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm ấy cũng không có nhiều ý nghĩa. Có những mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, có mặt hàng phải chịu kiểm tra của hai, thậm chí ba cục, vụ trong cùng một bộ. Một số ĐKKD cùng một vấn đề, được bộ này đồng ý cắt bỏ nhưng bộ khác không đồng tình, không tìm được “tiếng nói chung”.
Tình trạng cố neo giữ những ĐKKD bất hợp lý đang là một thực tế buồn cho các DN. Lực cản đó không đâu xa mà ở ngay chính những người đang có quyền soạn thảo thực thi các ĐKKD vô lý đó.
Cắt giảm ĐKKD lâu nay luôn là một đòi hỏi bức thiết từ thực tế sản xuất kinh doanh của người dân và DN. Đó cũng là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của nền kinh tế. Ngày nào trong các văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn các cụm từ chỉ mang tính chất định tính, khó định lượng được thì sẽ còn cơ hội để phát sinh các ĐKKD vô lý, trái luật và quá trình rà soát, cắt giảm chúng sẽ rất khó khăn.
Để các ĐKKD trở thành công cụ quản lý hiệu quả, nên chăng quy trình ban hành, soạn thảo giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Trong nội bộ từng bộ, không giao các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép chủ trì soạn thảo phương án rà soát, cải cách cấp phép. Dể hiểu là đã cấp phép, đã ban hành ĐKKD thì cũng đồng nghĩa với việc gắn với cơ chế xin - cho. Quyền lợi luôn đi kèm với lợi ích. Những đơn vị đang cấp phép sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình.
Cắt giảm ĐKKD phải thực chất, nghĩa là phải cắt giảm những điều kiện, thủ tục gây cản trở thực sự hơn là chỉ cắt giảm những điều kiện “râu ria” nhỏ lẻ, mức độ tạo thuận lợi cho DN không đáng kể, chưa thể hiện được tinh thần cải cách.
Rà soát, cắt bỏ ĐKKD bất hợp lý không chỉ là chuyện “khoan thư sức dân” mà còn là dọn chướng ngại vật cho nền kinh tế phát triển. Cắt bỏ ĐKKD bất hợp lý là cắt bỏ những thao túng của nhóm lợi ích, tạo niềm tin của người dân vào Chính phủ liêm chính và kiến tạo.
NGUYỄN TRIỆU HẢI