Bám biển quê hương

Thứ Năm, 25/10/2018, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết mới phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta - một quốc gia biển - hướng ra đại dương. Một trong những nội dung của Nghị quyết liên quan đến việc tổ chức thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con ngư dân “bám biển quê hương”. Bám biển, hỗ trợ hàng triệu ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ - nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền - lãnh hải của Việt Nam không chỉ là chuyện mưu sinh, phát triển kinh tế biển đảo, xây dựng đất nước mà còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền  biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bám biển quê hương là chủ đề của nhiều ca khúc xuất sắc về biển đảo, nhiều tác phẩm báo chí và văn học sinh động, giàu sức sống về tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước, hun đúc lòng tự hào dân tộc, vốn đã được lan tỏa sâu rộng trong bao thế hệ người Việt - con Lạc cháu Hồng.

Nhiều năm qua, bà con ngư dân BR-VT cùng hàng triệu ngư dân cả nước, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, qua biển tây - Kiên Giang - Phú Quốc ngày ngày bám trụ biển khơi, bất kể thời tiết khắc nghiệt vùng nhiệt đới - mưa bão, giông tố  dũng cảm bám biển, lao động quên mình, tạo nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống mình, gia đình, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với họ, ra khơi đánh bắt hải sản là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Anh hùng Lao động Lê Văn Kháng, nhiều năm chèo lái doanh nghiệp Xuất nhập khẩu Thủy sản Côn Đảo - Coimex - đã từng nổi tiếng với khẩu hiệu: “Mỗi con tàu đánh bắt là một đơn vị bảo vệ chủ quyền, mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ  biển đảo”. Coimex của BR-VT một thời trở thành biểu tượng lao động sáng tạo bám trụ biển khơi làm giàu, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường biển.

Trong bối cảnh chung, với nhiều thành tựu lao động sáng tạo “bám biển quê hương” rất đáng tự hào, gần đây đang có một nghịch lý, mặc dù đang vào vụ đánh bắt hải sản nhưng hàng trăm con tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân BR-VT đang phải nằm bờ. Nếu tính cả nước, con số tàu đánh bắt nằm bờ còn lớn gấp nhiều lần. Các chuyến biển của bà con ngư dân thua lỗ về kinh tế, thu nhập thấp, nợ nần tăng lên. Cái khó của ngư dân thời điểm hiện tại là giá nhiên liệu liên tục tăng cao, trong khi nguồn lợi thủy sản trên vùng biển nước ta lại ít dần, nếu không muốn nói là cạn kiệt, cá tạp nhiều; ngư dân  thiếu bạn tàu. Một số bà con đánh bắt đi lạc đến vùng biển nước bạn, dù vô tình hay cố ý thì đều vi phạm luật pháp quốc tế, bị nước bạn bắt giữ, bị cơ quan chức năng của họ tiêu hủy ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt. Một số ngư dân đặng chẳng đừng đã và đang tính việc bỏ tàu, bỏ biển, bỏ nghề tìm kế mưu sinh khác. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống, là quy luật của sự sinh tồn, khi không thể sống nổi với nghề dù là nghề mà mình yêu thích gắn bó bao đời; có yêu đến mấy họ cũng đành tính chuyện tạm thời chia tay, không thể trách cứ.

Đây là một thực tế đang diễn ra, rất đáng suy nghĩ và cần sự quan tâm thỏa đáng  của xã hội, cộng đồng. Nếu chỉ để bà con ngư dân tự xoay xở với biển cả rộng lớn là điều không thể. Đã đến lúc Nhà nước, trước hết là chính quyền cơ sở nơi có đông ngư dân bám biển phải thật sự vào cuộc. Có hai vấn đề không hề nhỏ đang đặt ra. Đó là việc đầu tư nghiên cứu để ngư dân có các phương tiện ra khơi tiêu tốn ít nhất nhiên liệu, tiết kiệm được chi phí. Các nhà khoa học sát cánh cùng bà con để cùng nghiên cứu, tìm tòi giải pháp công nghệ tối ưu - máy tàu. Ngành ngân hàng nên có tính toán để có thể giãn nợ, giảm lãi suất - trong phạm vi cho phép và có thể hỗ trợ nguồn vốn vay cho ngư dân. Quan trọng hơn, cấp bách hơn là ngành thủy sản, thương mại, các cấp chính quyền hỗ trợ ngư dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ thủy - hải sản ổn định, lâu dài, ngăn chặn tình trạng thương lái vào hùa với nhau ép giá thu mua sau mỗi chuyến đánh bắt xa bờ. Thương lái ép giá thực chất là sự ăn chặn thành quả lao động gian khó, rình rập bao nguy hiểm của người đánh bắt. Để thực thi hiệu quả - ngăn chặn thương lái ép giá, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm thật sự vào cuộc để cùng bà con gỡ khó, tìm các giải pháp khắc phục có hiệu quả. Giải pháp căn cơ nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, theo đó là xây dựng đồng bộ các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế. Chỉ riêng xã Phước Tỉnh của BR-VT, địa phương có hơn 1.000 tàu có công suất lớn đánh bắt các ngư trường rộng lớn và  xa, đạt sản lượng đánh bắt hàng năm hơn 80.000 tấn cá, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề thu mua hải sản cho bà con sau các chuyến đánh bắt dài ngày. Đấy cũng là các giải pháp đồng bộ, cần có lời giải trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển kinh tế biển bền vững, với các giải pháp căn cơ, lâu dài, bền vững.

Bám biển quê hương! Bên cạnh một số tàu cá nằm bờ, tin vui vẫn đến với ngư dân. Ngày 23-10, một hộ ngư dân ở TP. Vũng Tàu trúng đậm hơn 1 tấn cá cờ, chuyến biển có lãi đáng kể. Hãy biến khẩu hiệu “Bám biển quê hương” đã đi vào đời sống của cộng đồng, niềm tự hào của đất nước, dân tộc thành những giải pháp “bám biển” hiệu quả. Toàn xã hội, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền hỗ trợ và đồng hành cùng ngư dân hữu hiệu.

HẢI VÂN

;
.