Ngày xưa, thực ra thì cũng chưa “xưa” lắm, thời tôi học phổ thông, mỗi mùa tựu trường, khai giảng, họa hoằn lắm mới được cảm nhận mùi giấy mới tinh tươm của SGK.
Thời đó, cả xã hội khó khăn. Bữa cơm trong ký túc xá cho học sinh đi học xa nhà chỉ mới 1.000 đồng. Ngày nay, tôi cũng không biết 1.000 đồng thì có thể mua được cái gì phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của một người. Một ly trà trân châu mà học trò hay uống vặt ở gánh hàng rong, bây giờ cũng đã gấp cả chục lần bữa cơm “nội trú” trước đây...
Có lẽ vì khó khăn, mà mọi thứ đều quý. Và với học sinh thì SGK là thứ đặc biệt được trân quý. SGK ngày đó cũng không có các loại giấy nilon bọc đẹp và cẩn thận như bây giờ. Sang lắm thì học sinh gom được mấy tờ lịch tết, lịch có in hình diễn viên... rồi lật ngược lại để lấy mặt trắng bọc sách, bọc vở. Không thì bọc bằng giấy báo. Mà chủ yếu là bọc bằng giấy báo.
Nhưng từng cuốn sách lại được giữ rất cẩn thận. Vì ngoài chuyện phục vụ học tập, nó còn mang theo giá trị khác - thể hiện sự cẩn thận, trân quý sách của học trò và còn để truyền lại cho “hậu bối”.
Thường thì vào cuối năm học, học sinh lớp dưới đã dạm hỏi học sinh lớp trên để xin SGK. Ngoại trừ đã có người xin trước, còn không các “tiền bối” rất sẵn lòng cho sách “hậu bối”. Thậm chí, không chỉ có SGK, còn có sách tham khảo và những cuốn vở nháp ghi chép trong suốt quá trình học tập. Cứ thế, một bộ SGK có thể chuyền cho nhiều thế hệ học sinh. Một người học trước có thể truyền lại nhiều kiến thức chọn lọc cho người học kế cận.
Bây giờ thì mọi thứ hầu như đã thay đổi. Thứ nhất, đời sống đang lên, về khía cạnh vật chất, một bộ SGK cũng không còn đáng giá như trước. Thứ nữa là bây giờ, có nhiều chương trình học, nhiều phương pháp đào tạo được “thí nghiệm”, SGK phổ thông cũng thay đổi liên tục, thành ra cái truyền thống giữ sách cho “hậu bối” muốn trở lại cũng khó. Cho nên, hàng năm, vì cái sự học của con cái, mà các bậc cha mẹ trong cả nước đang phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua SGK. Điều này có lãng phí quá hay không?
Vấn đề này phần nào đó đã được đặt ra một cách thấu đáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 12-9) khi thảo luận về sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc in và sử dụng SGK bây giờ quá lãng phí. Nhất là phần bài tập được in kèm trong sách. Học sinh ghi trực tiếp lời giải vào sách nên chỉ dùng được một lần, năm sau lại in mới, chỉ thay phần bài tập.
Thực tế, thời gian qua, có nhiều cái “ngàn tỷ” ở nước ta đã tiêu tốn, thất thoát một cách oan uổng, xót xa. Nên cái “ngàn tỷ” bỏ ra để con cái có sách mới cũng không làm người dân nặng lòng. Chỉ là, nếu có một sự ổn định tương đối về SGK, nếu có thể tiết kiệm được thêm một cái “ngàn tỷ” cho dân thì cũng là việc cần phải được xem xét thật kỹ lưỡng.
HOÀNG NAM