.

Chung tay chống hàng giả

Cập nhật: 15:25, 03/09/2018 (GMT+7)

Báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh BR-VT (BCĐ 389) cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2018, các sở, ngành và lực lượng thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.532 vụ việc vi phạm, với 1.699 đối tượng; số tiền xử phạt hành chính (bao gồm xử phạt và truy thu) gần 206 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 232 vụ/269 đối tượng.

Theo đánh giá của BCĐ 389 quốc gia: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và tệ nạn buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường để lại nhiều hệ lụy trong đời sống và sức khỏe của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người dân đến tính minh bạch của thị trường và trở thành một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các DN làm ăn chân chính.

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập, việc hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn và "có đất sống", không chỉ gây thất thu cho ngân sách, mà còn làm xấu đi môi trường sản xuất, kinh doanh của DN nội và đánh mất lợi thế thị trường cạnh tranh. Hàng giả thường có chất lượng kém, nhưng mẫu mã không khác mấy so với hàng do chính hãng sản xuất. Nhưng ngược lại, giá bán hàng giả chỉ bằng 2/3, thậm chí chỉ bằng 1/2  giá thành của DN sản xuất nên vẫn được người tiêu dùng cổ xúy. Chẳng hạn, Công ty Biti’s Việt Nam, một DN sản xuất các mặt hàng thể thao có uy tín trong nước và quốc tế, được nhiều khách hàng lựa chọn, bức xúc: Một mẫu sản phẩm giày thể thao Biti’s mới chào hàng, có giá bán dao động từ 500.000-700.000 đồng/ đôi, chỉ mới đưa ra thị trường khoảng 2 tháng, đang được người tiêu dùng ưa thích, thì trên thị trường lập tức xuất hiện nhiều loại giày thể thao kém chất lượng, có mẫu mã tương tự, nhưng với giá bán chỉ bằng 1/2 so với sản phẩm cùng loại của công ty. Chính những điều xảy ra tương tự như Biti’s đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, các công ty có thương hiệu và uy tín chất lượng trên thị trường.

Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một cuộc chiến cam go, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi người, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị; trong đó, DN và người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng. Các DN cần chủ động và tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm; song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả. Đồng thời, cần xây dựng các kênh phân phối sản phẩm theo đúng tiêu chí, mẫu mã của DN, với giá bán thống nhất, bảo đảm chất lượng hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các DN cần tăng cường công tác giám sát và quản lý việc tiêu thụ hàng hóa của mình; kịp thời nắm bắt các biến động của thị trường và khi có dấu hiệu bị vi phạm về mẫu mã hàng hóa, giá bán trên thị trường, thì cần chủ động khiếu nại, nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc. Các DN không nên coi việc chống hàng giả là trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện tiêu chí “Người tiêu dùng thông minh” người mua hàng cần trang bị cho mình các kiến thức cần thiết trong việc phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá đát…, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm, vì quyền lợi của bản thân và vì lợi ích đất nước.

Hiện nay, mức độ tin cậy và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng nước ta đã được cải thiện rõ rệt. Minh chứng rõ nhất là mỗi khi thực hiện chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, “Hàng Việt về với người lao động” trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… thì lượng hàng hóa được tiêu thụ rất mạnh. Nhưng, sự tin cậy, sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với sản phẩm "Made in Việt Nam" sẽ bị giảm sút nếu như tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán công khai trên thị trường.

HOÀNG LÊ

 

.
.
.