Di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa luôn được coi là nguồn tài nguyên quan trọng để kết nối và phát triển du lịch. Từ cách nhìn nhận đó, nhiều địa phương đã quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, đưa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử vào các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn,
thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá. Trào lưu và xu hướng du lịch của du khách luôn gắn với sở thích khám phá, tìm hiểu các điểm du lịch ẩn chứa những tư liệu về lịch sử, những bản sắc văn hóa của từng vùng, miền. Sự tìm kiếm, trải nghiệm từ các chuyến du lịch sẽ hiệu quả hơn khi được gắn kết với các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống, lối sống, ẩm thực, tín ngưỡng, khảo cổ và kiến trúc...
Minh chứng cho điều này, kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, năm 1999, Khu phố cổ Hội An vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều dự án đầu tư tu bổ các di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, chính sách liên kết giữa bảo tồn các di tích và phát triển du lịch được các cấp chính quyền địa phương gấp rút triển khai thực hiện. Đến nay, Di sản văn hóa Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nếu như năm 1999, Hội An chỉ mới đón gần 160.000 lượt khách tham quan và có 17 cơ sở lưu trú, thì đến nay con số này đã lên đến gần 3,5 triệu lượt khách/năm (trong đó có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế) và hơn 540 cơ sở lưu trú (với nhiều loại hình như biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ, homestay).
Tỉnh BR-VT hiện có 44 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có một di tích đặc biệt cấp quốc gia, 29 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh. Đây là một kho tàng tài nguyên di tích lịch sử, văn hóa phong phú, quý giá của tỉnh BR-VT và là một nguồn lực quan trọng để kết nối và phát triển du lịch. Nhiều năm qua, các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh BR-VT (như: Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Sao Mai-Núi Lớn, Nhà Lớn Long Sơn, địa đạo Kim Long, di tích lịch sử Côn Đảo, Núi Dinh, Minh Đạm…) đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Việc xây dựng thương hiệu du lịch kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa thật sự tạo nên những sản phẩm khác biệt đối với từng địa phương. Vấn đề quan trọng là việc phát huy giá trị của các di tích ấy như thế nào để vừa hiệu quả, vừa lâu bền. Thực tế cho thấy, việc khai thác, phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử, văn hóa trong quá trình kết nối và phát triển du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, những hạn chế chung thường gặp ở các địa phương là cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, tình trạng xâm hại cảnh quan di tích còn phổ biến, môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến chưa bảo đảm. Việc khai thác thế mạnh và tiềm năng từ các di tích lịch sử, văn hóa chưa đạt hiệu quả cao. Sản phẩm du lịch kết nối với các di tích còn thiếu tính đặc sắc, đơn điệu, chủ yếu chỉ mới phát huy những yếu tố lợi thế có sẵn, mà chưa đầu tư tôn tạo, chưa tạo dựng được sự khác biệt trong các sản phẩm du lịch.
Phát huy các giá trị của di tích để kết nối và phát triển du lịch là một xu thế tất yếu. Bởi sức hấp dẫn của các di tích, di sản đã tạo ra nhiều động lực trong phát triển du lịch và mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Điều cần thiết và cũng là trách nhiệm của ngành du lịch là cần tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng trong việc góp sức bảo tồn các di tích, kết nối và đưa vào khai thác nguồn tài nguyên này một cách hợp lý, không tận thu và tránh tình trạng xâm hại di tích trong kết nối các tour, tuyến du lịch.
HOÀNG LÊ