Chung tay lo chốn an cư cho công nhân

Thứ Sáu, 28/09/2018, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.
Vợ chồng anh Long và chị Thủy là công nhân tại KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu). Mỗi tháng, gia đình anh chị phải trả 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ. Dù cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhưng gia đình anh chị không thể tích cóp được số tiền lớn để mua nhà ở thương mại. Anh Long tâm sự: “Mong ước của vợ chồng tôi là được mua nhà ở xã hội với giá khoảng 300-500 triệu đồng, trả trước 20%, 80% còn lại được hỗ trợ trả góp trong 20 năm. Với những người là công nhân như chúng tôi thì mỗi tháng trả góp khoảng 1,5-2 triệu đồng là trong khả năng. Cũng là số tiền chi phí cho nhà ở mỗi tháng, nhưng sau 20 năm, gia đình chúng tôi được sở hữu ngôi nhà”.

Mong muốn của vợ chồng anh Long, chị Thủy cũng là mong muốn của công nhân lao động. Công nhân lao động là những người không có nhiều tiền. Họ là dân nhập cư đến từ các địa phương khác nhau để làm tại các KCN. Phần lớn họ ở trọ tại các ngôi nhà cấp 4 do dân xây dựng xung quanh đó. Do đó, đây chính là đối tượng cần được chăm lo về nhà ở.

Theo số liệu thống kê của LĐLĐ tỉnh, hiện nay tổng số công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh là 135.048 người, trong đó khu vực nhà nước chiếm 39.797 người (29,47%), khu vực ngoài nhà nước là 95.251 người (70,53%). Thực tế nhu cầu về nhà ở hiện nay còn rất lớn, đặc biệt tại các KCN tập trung, số công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở lên tới 59,5%. Một bộ phận không nhỏ công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ phải thuê nhà trọ với điều kiện sống, sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng cháy, chữa cháy...

Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm. Ngày 23-7-2009, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội tỉnh BR-VT giai đoạn 2009-2015. Trên cơ sở đó ngày 14-8-2009, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội tỉnh BR-VT giai đoạn 2009-2015. Qua quá trình triển khai thực hiện đề án, đến nay tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.423 căn hộ, đạt khoảng 28,5% so với chỉ tiêu đề án. Ngoài ra, vốn ngoài ngân sách xây dựng 1.900 căn, đạt khoảng 47,5% so với chỉ tiêu đề án, trong đó DN trong các KCN đầu tư 1.711 căn, đáp ứng cho khoảng 5.000 công nhân có chỗ ở ổn định; và DN kinh doanh bất động sản xây dựng khoảng 176 căn, phục vụ chủ yếu cho đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Từ kết quả đạt được về phát triển triển nhà ở xã hội thời gian qua, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VI  đề ra mục tiêu là: “Thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân và sinh viên”. Theo đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2017 -2020. Tỉnh phấn đấu triển khai khoảng 26 dự án, với diện tích 89,7ha, bố trí khoảng 10.813 căn, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 961,313m2. Nguồn vốn chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 6.552 tỷ đồng, trong đó vốn DN đầu tư xây dựng 6.397 tỷ đồng và nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 155,6 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đó là, giao đất sạch, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; Được dành 20% tổng diện tích để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; Được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh hoặc tổ chức tín dụng…

Thực tế, một DN bỏ ra số tiền lớn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động là khó. Nhưng thiết nghĩ, “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động cần sự đồng lòng, chung tay góp sức của các DN. Thay vì một thì nhiều DN liên kết với nhau, cùng bỏ vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho chính công nhân lao động của DN mình. Có như vậy, DN mới yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất mà không phải lo thiếu nguồn nhân lực. Vì đây cũng là cách giữ chân người lao động. Bởi vì công nhân lao động chính là người trực tiếp sản xuất, tạo ra giá trị, lợi nhuận cho DN và đóng góp quá trình đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

NGỌC NGUYỄN

;
.