Chữ tín

Thứ Sáu, 21/09/2018, 09:00 [GMT+7]
In bài này
.

1. Giữa trưa mà khu vực giao hàng của Lò bánh Trung thu Văn Tập Hòa (85, Mạc Thanh Đạm, huyện Long Điều) vẫn cứ đông kín khách. Người thì cẩn thận ngắm nghía, chọn mua lẻ từng chiếc bánh để đóng thành hộp 4 bánh với đủ 4 loại nhân khác nhau. Người thì chỉ nhìn bảng giá, ra số lượng, bấm máy tính tiền rồi lấy hàng. Cũng có những vị khách chạy xe đỗ xịch trước cửa, hỏi: “Hóa đơn của em đâu? Nửa tiếng nữa chở ra nhà cho em luôn nha”. Vừa nói khách vừa rút tập tiền đếm sẵn cột mấy vòng dây thun đưa qua tay chị chủ, rồi vù cái, chạy mất. Chị chủ thảy tệp tiền vô máy đếm, tay cầm điện thoại trả lời một mối hàng khác: “Chị đóng thùng cho em hết rồi. Em không rảnh qua lấy thì chị cho chở xuống ghe luôn”.

Không phải chỉ có ở Văn Tập Hòa, mà nhiều lò bánh Trung thu gia truyền của Bà Rịa – Vũng Tàu như Văn Hòa Lạc, Văn Mỹ Phong, Tuyết Hân (huyện Long Điền), Ngọc Hải, Đức Thành (TP.Bà Rịa) đều nhộn nhịp cảnh giao hàng - đếm tiền - nhận điện thoại đặt bánh. Vậy là quá “ngon cơm” với một mùa bánh Trung thu dù chỉ kéo dài chưa đầy 2 tháng. Chủ một lò bánh xác nhận, năm nay mua mau bán đắt. Số lượng bánh không tăng nhiều, nhưng sự tin tưởng và yêu thích của bà con dành cho “bánh nhà” đã hiện lên trong nụ cười, ánh mắt, giọng nói và ngay cả trong cách mà từng khách cầm lấy hộp bánh bước ra khỏi tiệm. Nhờ “chữ tín” đã được nung qua lửa đỏ gần 40 năm qua mà tên tuổi và chất lượng bánh Trung thu BR-VT được người dân địa phương tin dùng.

2. Chủ một quầy hàng bánh kẹo ở chợ Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) - chị T.B than, chị phải đành lòng “vứt qua cửa sổ” cục tiền 5 triệu đồng. Đó là số tiền lấy lô hàng bánh Trung thu hồi tuần rồi để chuẩn bị cho đợt bán dự báo sẽ rất đắt khách vì ngày Rằm tháng Tám đang cận kề. Năm nào cũng vậy, quầy của chị bán luôn đông khách vì chị chọn bánh từ những tên hãng có thương hiệu. Ngoài khách lẻ, chị còn có được mối bỏ sỉ cho các ban, ngành, các nhà trường, các doanh nghiệp mua tặng cho con em công nhân tại đơn vị, cho con em các hộ nghèo... “Năm nay không biết xui khiến sao mà có một em gái tiếp thị hàng của một lò bánh ở Đồng Nai giới thiệu một tên hãng mới với những hộp bánh mẫu khá bắt mắt, giá mềm, tui nhận lời liền. Vì tui cũng nghĩ coi như mình vừa ủng hộ DN trẻ vừa có thêm nguồn bánh hợp túi tiền của bà con nghèo”, chị T.B kể. Khi nhận hàng, kiểm hàng, chị cũng chưa hay mình mua phải lô hàng kém chất lượng - vì căn cứ trên mắt nhìn thường thì dấu kiểm định ATVSTP, hạn sử dụng còn tươi mới. Ngày hôm sau khi trưng hàng, chị khui hộp bánh dùng thử, chị mới biết sản phẩm không như quảng cáo. Chị lên mạng tìm tên, địa chỉ sản xuất theo thông tin in trên vỏ hộp đều không có thật. Chị liên hệ với cô gái nọ và người giao hàng đều “ngoài vùng phủ sóng”. Và quyết định cuối cùng của chị là chấp nhận đổ bỏ, coi như mất trắng lô hàng, “vì mình chủ quan không kiểm tra tận nơi cơ sở sản xuất, mình phải chịu thiệt, chớ không vì tiếc của mà nhắm mắt bán cho khách. Tiếp tục bán ra, thậm chí bán rẻ để gỡ vốn như nhiều người bàn là tui không làm được”. Chị khẳng khái nói: “Mình là người ngay thẳng, không làm ăn gian dối”.

Có nhiều cách để nhìn nhận về chữ tín, về làm ăn chân chính. Ở đây, với nhà sản xuất và cả với các tiểu thương ngồi cả ngày ròng rã 2 buổi chợ, “bỏ tiền triệu thu bạc cắc” kiếm đồng lời nuôi con, trách nhiệm cộng đồng đối với họ chính là chữ tín. Lợi nhuận không chỉ tính bằng đồng tiền thu về, mà đó còn là tất cả những gì họ mang đến cho mọi người, có khả năng tác động rộng lớn đến xã hội. Lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất, càng không phải chỉ là đích đến.  Họ sống với niềm tin về một chữ tín mà họ tạo dựng, suốt cả cuộc đời tảo tần lao động rất đáng trân trọng như thế!

THÁI AN

 

;
.