Cuối tuần rồi bạn gửi clip gia đình đi câu cua trên biển Whidbey Island, bang Washington, Mỹ. Cả nhà tôi vừa xem vừa thích thú. Những chiếc lồng thả xuống biển một lúc sau kéo lên rất nhiều cua, khoảng từ 10-15 con/lồng. Nhưng trong số đó chỉ lấy được 2-3 con, bạn phải mang theo thước đo để đo kích cỡ cua. Nếu đạt kích cỡ cho phép mới được lấy, còn lại thả về với biển.
Đặc biệt là bạn cũng chỉ được lấy cua đực, còn cua cái phải trả về với biển để sinh sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bạn kể thêm, cả gia đình 3 người chỉ được phép bắt 15 con, không được hơn. Dù không ai quản lý nhưng tự ý thức mỗi người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh. Ai cũng hiểu được rằng, muốn có cua nhiều sau mỗi chuyến đi câu thì tuyệt đối không được đánh bắt kiểu tận diệt. Không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới có luật quy định chặt chẽ về việc đánh bắt cá. Vào mùa sinh sản, ngư dân buộc phải nghỉ ngơi để cho cá con sinh trưởng. Campuchia là một ví dụ điển hình. Ở Biển Hồ, nơi được xem là vựa cá nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, người dân chỉ được đánh bắt cá 6 tháng và 6 tháng còn lại phải nghỉ tay để cá đủ thời gian trưởng thành, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, phạt thật nặng.
Câu chuyện bạn kể khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Bởi vài năm trở lại đây, những chuyến biển của ngư dân tại các vùng chuyên làm nghề đánh bắt như: Phước Hải, Long Hải (huyện Đất Đỏ); phường 5, phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu)... không còn đầy ắp cá, tôm như trước. Thậm chí nhiều chuyến biển, các chủ thuyền không đủ trả phí tổn cho dầu máy, thuê nhân công. Mỗi chuyến biển chỉ thu được 1/3 hải sản đạt yêu cầu của thương lái, còn lại là cá tạp. Các ngư dân cũng cho biết, nguồn hải sản bị suy giảm một phần là do biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là còn nhiều ngư dân đánh bắt bằng nghề giã cào, hoặc bằng đèn công suất cao, lưới mắt nhỏ, đánh bắt vào mùa cá sinh sản... Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nhưng lại không có ý thức bảo vệ, tái tạo. Đi chợ, tôi cũng thường xuyên thấy những thau cá con được bày bán. Thậm chí đây là món yêu thích của nhiều người hiện nay. Nắm được điều này nên bà con nông dân đua nhau tận thu cá con mà không nghĩ đến hậu quả là việc tận diệt cá non sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, lưới thức ăn sinh vật…
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh 5.915 tàu cá. Trong đội tàu đánh bắt của tỉnh, số tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ (trên 90CV) là 3.123 chiếc. Số tàu đánh bắt gần bờ gần 3.000 chiếc, đây là con số rất lớn, làm mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi. Việc đánh bắt bằng nghề giã cào thời gian qua cũng làm cho nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới kéo, chiếm tỷ lệ 25% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 30-40%. Bên cạnh đó, đánh giá của cơ quan chức năng cũng cho thấy, sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Thậm chí, ở một số vùng biển có độ sâu dưới 30m, sản lượng đánh bắt đã vượt giới hạn cho phép!
Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng như ngư dân đang nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu EC quy định đối với việc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định sau khi được gia hạn thêm thời gian đến tháng 1-2019. Tuy nhiên, việc gỡ “thẻ vàng” chỉ là phần ngọn. Về lâu dài, cần phải giải quyết tận gốc việc đánh bắt trái phép, hoàn thiện hơn nữa thể chế và năng lực quản lý nghề cá. Cùng với đó, việc cấp bách nhất cần làm hiện nay là nước ta cần ban hành đủ các văn bản pháp luật để hạn chế việc khai thác bất hợp pháp, xây dựng thể chế phù hợp với quy định của quốc tế. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các luật trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đưa vào luật Việt Nam những điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia. Giải pháp mang tính then chốt là phải làm thế nào để người dân nhận thức được việc chấm dứt khai thác thủy sản tận diệt là cách tốt nhất để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, duy trì nguồn sống lâu dài của chính bản thân họ, phải biết khai thác hợp pháp để giữ cho biển mãi là nguồn sống bền vững, là “biển vàng” của ngư dân.
NGÔ GIA