Xóa bỏ tín dụng đen!

Chủ Nhật, 12/08/2018, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Không hẹn mà gặp, những ngày này báo chí trong cả nước đồng loạt vào cuộc cùng các cơ quan pháp luật xóa bỏ tín dụng đen với những thủ đoạn cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản tinh vi. Mức lãi suất cho vay thật khủng khiếp: Từ 15% đến 90%/tháng. Một mức lãi suất “cắt cổ” không con nợ nào chịu nổi!

Vấn nạn tín dụng đen xuất hiện từ nhiều năm nay, gây ra nhiều hệ lụy xấu đến đời sống của người dân, tiềm ẩn cao nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn. Các băng nhóm giang hồ, các ông trùm núp bóng dưới dạng tiệm cầm đồ, công ty TNHH… công khai quảng bá việc cho vay bằng việc phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, các chợ, các cột điện, lập các trang web với nội dung cho vay tài chính, cho thuê tài chính, “cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” nhằm thu hút người dân vay tiền. Hầu hết hợp đồng vay tiền không ghi tỷ lệ lãi suất thực tế, phần lãi suất chủ yếu được thỏa thuận bằng miệng, kẻ cho vay không đưa hợp đồng cho con nợ giữ. Ngoài ra, tín dụng đen còn biến tướng thành nhiều hình thức khác và một trong số đó là cho vay nợ bằng biệc bán hàng hóa, phân bón, vật tư nông nghiệp với giá cao hơn giá thị trường, nhưng khi thu hồi sản phẩm nông sản để “cấn trừ nợ” thì ép giá, thu mua với giá thấp, trừ khối lượng tạp chất cao. Khi nạn nhân không có khả năng chi trả, bọn chúng gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa đánh đập, khủng bố tinh thần, tạt sơn, chất bẩn vô nhà, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. Mặc dù biết vay tín dụng đen lãi suất “cắt cổ” nhưng nhiều người vẫn lao vào, vì thủ tục vay đơn giản, có tiền ngay trong ngày để giải quyết chuyện gấp gáp của gia đình. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người rơi vào bẫy tín dụng đen, trở thành nạn nhân của các hành vi đòi nợ như: Cưỡng đoạt tài sản, đánh đập, bắt giữ người trái phép. Đã có người tìm đến cái chết vì vướng bẫy tín dụng đen.

Trước sự lộng hành của tín dụng đen, công an các địa phương đã lên danh sách những đối tượng, băng nhóm có biểu hiện cho vay nặng lãi để theo dõi và đấu tranh triệt phá và đã tóm gọn nhiều ổ nhóm tín dụng đen hung hãn. Tuy vậy, sự vào cuộc của cơ quan pháp luật vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để vấn nạn tín dụng đen bởi cái gốc là nhu cầu tiền/vốn là rất lớn trong xã hội. Trên thực tế, cho đến nay, chưa có bất cứ ngân hàng nào thực hiện cho vay tín chấp với người lao động tự do. Những trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục vay vốn. Muốn vay ngân hàng thương mại, họ phải có tài sản thế chấp có giá trị lớn như nhà, đất, ô tô, sổ tiết kiệm hoặc có thu nhập thường xuyên, ổn định. Lý do khiến các ngân hàng ngại cho vay tín chấp, bởi khi rủi ro xảy ra, người vay không có khả năng trả nợ chẳng biết nắm vào đâu để thu hồi vốn.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách theo hướng hạn chế xin - cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch… giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thoát khỏi “bẫy” tín dụng đen. Với ý nghĩa đó, việc khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để đẩy lùi tín dụng đen lãi suất cao là rất cần thiết. Việc rà soát lại các văn bản pháp quy và các quy trình vay tín dụng tiêu dùng, tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được nguồn vốn này cũng cần sớm được triển khai. Chỉ có tín dụng chính sách mới có thể đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Sự tham gia tích cực của báo chí cũng như những nỗ lực của ngành công an trong việc rà soát, tập trung tấn công trấn áp, triệt phá tội phạm tín dụng đen cũng chỉ là giải quyết phần ngọn, không bền vững nếu như nhu cầu vay vốn của người dân không được đáp ứng một cách kịp thời…

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.