Hoạt động tư vấn du học có lúc xô bồ, bát nháo dẫn đến sự lừa đảo, “đem con bỏ chợ” đã khiến Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh phải ra văn bản nghiêm cấm các công ty, đơn vị nước ngoài vào tư vấn du học, đồng thời công khai danh sách các trung tâm được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học nhằm giúp phụ huynh, học sinh có cơ sở để tìm nơi đăng ký du học có chất lượng.
Chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay như thế nào so với các nước láng giềng và ở vị trí nào trên bản đồ giáo dục thế giới? Có lẽ ai cũng hiểu và có đáp án cho câu hỏi này. Tuy nhiên, có một nhân tố quan trọng đóng góp cho chất lượng giáo dục nước ta chưa được đánh giá và đầu tư đúng mức. Đó chính là hệ thống giáo dục của chúng ta chưa “giữ chân” được một bộ phận không nhỏ học sinh đang lần lượt theo nhau ra nước ngoài học tập.
Dòng chảy ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài theo con đường du học đang diễn ra một cách âm thầm nhưng đáng kể. Thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT) cho thấy, hiện có khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam học tập tại 47 quốc gia trên thế giới, trong đó khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách nhà nước, học bổng của chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, còn lại 90% là du học tự túc. Thật xót xa và bất hợp lý khi mỗi năm chúng ta để mất tới hơn 3 tỷ USD ra nước ngoài thông qua hình thức du học - theo thống kê của Ngân hàng HSBC. Tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực cấp cao và có trình độ chất xám cũng đáng giật mình khi mỗi năm có hàng trăm sinh viên đã ở lại xứ người sau khi tốt nghiệp.
Vì sao số du học sinh ngày một tăng cao? Câu trả lời từ chính các em là “được thực hiện ước mơ học tập ở những nền giáo dục tiên tiến. Ở đó, các em được nghiên cứu khoa học đúng mức, tiếp cận được kỹ năng cần thiết và quan trọng là tìm được công việc tốt, đúng chuyên ngành được đào tạo sau khi tốt nghiệp ra trường”.
Một báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố cách đây không lâu có nói giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều yếu kém. Năng lực của hệ thống, nội dung giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, lĩnh vực nào cũng có vấn đề. Đặc biệt là việc các trường đại học được thành lập một cách dễ dãi. Nhiều trường được mở chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận mà ít quan tâm đến chất lượng giáo dục, đến mức một đại biểu Quốc hội nói thẳng “Việc đầu tư một trường đại học không hơn và không khác gì thành lập một công ty mà mục đích đầu tiên là tiền”.
Giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhưng có lẽ một trong những điều quan trọng là sớm thoát ra được hai mâu thuẫn lớn: mâu thuẫn giữa nhu cầu học ngày càng tăng với khả năng hạn chế của hệ thống giáo dục và mâu thuẫn giữa đào tạo với khả năng sử dụng, thu hút nhân lực của nền kinh tế còn hạn chế. Chỉ khi giáo dục đại học Việt Nam phát triển, mâu thuẫn giữa đào tạo với khả năng sử dụng không còn, tình trạng “chảy máu ngoại tệ” qua con đường du học mới được hạn chế tối đa. Mặt khác, cũng cần khai thác tiềm năng của chính chúng ta (nhân lực và sự sẵn sàng của thị trường) thay vì để nó âm thầm được người khác tận dụng. Mô hình đào tạo liên thông hoặc mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trình độ cao trong các ngành trọng điểm không chỉ giải quyết được bài toán cập nhật thông tin mà còn là giải pháp hạn chế tối đa nguồn ngoại tệ bị chảy ra nước ngoài.
NGUYỄN TRIỆU HẢI