"Siết" số lượng để nâng cao chất lượng

Thứ Sáu, 10/08/2018, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm khi trong vòng mấy ngày tới mỗi bàn khám ở các bệnh viện chỉ được tiếp nhận tối đa 65 lượt bệnh nhân/ngày! Đó là một trong những nội dung của Thông tư số 15/2018 Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp được Bộ Y tế ban hành ngày 30-5 vừa qua; chính thức có hiệu lực từ ngày 15-7-2018.

Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ “bị” khống chế lượng khách hàng mình tiếp nhận và cung cấp dịch vụ khám bệnh  mỗi ngày, trước đó, Bộ Y tế từng có quy định mỗi bàn khám tiếp nhận không quá 45 lượt bệnh nhân/ngày, tuy nhiên gần như không thực hiện được. Bởi lẽ, trong tình trạng quá tải, mỗi bác sĩ đã phải khám đến cả trăm lượt bệnh nhân, hoặc hơn trong ngày!

Điều khác biệt giữa 2 lần thay đổi này, dù số lượt khám tăng lên đến 38%, nhưng bác sĩ sẽ không còn phải tiếp nhận đến cả trăm lượt bệnh nhân/ngày bởi ràng buộc khắt khe từ việc chi trả của Qũy BHYT. Khách hàng là lượt bệnh nhân thứ 66 trở lên chỉ được BHYT thanh toán 50% mức giá khám bệnh và thậm chí không được BHYT chi trả nếu bàn khám đó liên tục vượt định mức trong 1 quý. Như vậy, bệnh nhân hoặc chính bệnh viện tiếp nhận vượt mức quy định sẽ phải chi trả khoản chi phí mà BHYT không thanh toán, điều này buộc các cơ sở y tế phải điều chỉnh, thay vì quy định chỉ 45 nhưng lại tiếp nhận cả trăm bệnh nhân/bàn khám mỗi ngày như trước đây!

Một bác sĩ phụ trách bàn khám ở bệnh viện tuyến tỉnh từng chia sẻ với tôi thực trạng quá tải, bác sĩ không còn lựa chọn nào khác phải tiếp nhận đến hơn 100 lượt bệnh nhân, thậm chí còn hơn thế nữa (với phương châm hết lượt bệnh nhân chứ không hết giờ). Tính theo lý thuyết, bình quân thời gian để bác sĩ tiếp xúc với 1 bệnh nhân và thực hiện các thao tác cần có như thăm khám, ra kết luận chẩn đoán bệnh, kê toa và tư vấn chỉ chưa đầy 5 phút! Để có đủ 5 phút ấy, bác sĩ phải “ngồi đồng” suốt thời gian khám bệnh (nguyên 8 tiếng/ngày) tuyệt đối không nghỉ giải lao. Điều đó đồng nghĩa trên thực tế, thời gian bình quân dành cho mỗi bệnh nhân còn thấp hơn rất nhiều-chỉ được vài phút như kết quả kiểm tra của cơ quan chủ quản là Bộ Y tế-và bệnh nhân chắc chắn phải chịu thiệt khi không được bác sĩ chuyển tải đầy đủ thông tin cần tư vấn, thăm khám kỹ lưỡng, hỏi han để biết về tiền sử bệnh. Ngay cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không cảm thấy thoải mái khi đằng sau lượt khám của mình còn vô số bệnh nhân khác đang ngồi chờ!

Bác sĩ ấy cũng trăn trở, không biết đến bao giờ bệnh viện mới hết quá tải, bác sĩ mới hết gồng mình tiếp nhận cả trăm lượt bệnh nhân, để rồi sau mỗi ngày lại băn khoăn rằng mình đang qua quýt, sợ vì qua loa mà chưa chuẩn xác trong chẩn đoán lâm sàng, sợ chưa nói hết với bệnh nhân những điều cần nói. Những tờ giấy được in sẵn với nội dung tư vấn cho bệnh nhân đối với một số bệnh mãn tính để “đối phó” với việc thiếu thời gian ấy rất khó có thể lấp đầy khoảng trống, vì mỗi bệnh nhân là một thực thể khác nhau, nhu cầu thông tin khác nhau. Chưa kể, việc được bác sĩ trực tiếp tư vấn còn là bài thuốc về tâm lý và sự sẻ chia cần có đối với bệnh nhân trong mỗi lần tiếp xúc.

Khi quy định của Thông tư 15 được thực hiện, cả bệnh nhân và bác sĩ đều đồng tình, nhưng cũng đều băn khoăn, sợ rằng thiếu tính khả thi trong điều kiện nhân lực còn khó khăn, bệnh viện còn quá tải như hiện nay. Quy định này chắc chắn tạo độ khó cho bệnh viện, phải xoay xở làm sao để bố trí đủ bác sĩ cho mỗi bàn khám khi số lượng phải tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với trước. Bệnh nhân lo lắng mình sẽ quá lượt, phải chịu thiệt trong chi trả từ Qũy BHYT. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc khống chế chặt chẽ số lượng bệnh nhân và mức chi trả là cần thiết để nâng cao chất lượng, chỉ có như vậy mới buộc các bệnh viện phải sắp xếp, bố trí nhân lực để không gây quá tải cho chính bác sĩ và bảo đảm thời gian dành cho bệnh nhân.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, công tác chuẩn bị cho nội dung trên đã được ngành y tế triển khai đến các bệnh viện trong tỉnh, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh. Với yêu cầu không để bệnh nhân phải ra về trong ngày mà chưa được khám, các bệnh viện đã có phương án để tăng cường số lượng bác sĩ, bàn khám ở khu vực khám bệnh. Đồng thời khuyến cáo bệnh nhân không nên dồn vào một số ngày trong tuần và buổi sáng, bởi trên thực tế, những ngày đầu tuần hoặc cuối tuần số lượng bệnh nhân thường quá tải, trong khi giữa tuần lại khá vắng; tương tự đầu giờ sáng quá đông, còn buổi chiều lại thưa thớt.

Để thực hiện tốt việc chỉ tiếp nhận tối đa 65 bệnh nhân/bàn khám/ngày, rất cần đến sự nỗ lực của mỗi bệnh viện và sự hợp tác từ phía bệnh nhân. Theo đó, với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khám định kỳ thì không nhất thiết phải đến khám vào buổi sáng, có thể đến buổi chiều và cũng không nên tập trung hết vào đầu hay cuối tuần để tránh tình trạng quá tải. Bệnh viện phải bố trí hợp lý bác sĩ điều trị nội trú, thăm khám buồng bệnh vào buổi chiều để tập trung giải quyết cho bệnh nhân khám ngoại trú trước, tránh để người bệnh chờ lâu, không bị rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng nên áp dụng việc đặt lịch khám qua điện thoại, qua mạng để không dồn ứ bệnh nhân.

Giảm số lượng để nâng cao chất lượng là cần thiết và đáng được hoan nghênh! 

THẢO LINH

 

;
.