Con tôi năm nay lên lớp 3 và đang học tại một trường công khá nổi tiếng của TP. Vũng Tàu. Để chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường gửi giấy mời họp phụ huynh vào ngày Chủ nhật 26-8. Đây là lần thứ 5 tôi tham gia họp phụ huynh kể từ khi con bắt đầu vào trường TH. Nhưng lần nào cũng vậy, sau khi họp phụ huynh về là cảm giác khá nặng nề.
Cuộc họp phụ huynh kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, trong đó hơn 30 phút cô giáo chủ nhiệm thông báo kế hoạch năm học mới 2018-2019. Thời gian còn lại bầu ban đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là Hội phụ huynh, và tất nhiên là bàn về khoản đóng góp quỹ trường, quỹ lớp. Trong khoảng thời gian này, để khách quan, cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn không tham gia, bởi mục này là tự nguyện. Năm nào cũng vậy, ngoài quỹ trường, lớp phải đóng quỹ riêng để phục vụ cho các hoạt động của lớp, ví dụ như tập văn nghệ, thay quạt mới trong lớp, hoặc cũng có lúc để cùng đóng góp với nhà trường làm bồn hoa, mái che (theo phương thức xã hội hóa)… Khoản này hàng năm trên dưới 1 triệu đồng được chia làm 2 đợt đóng vào đầu mỗi học kỳ. Mặc dù đây là số tiền không nhỏ, nhưng đã thành một thông lệ xấu từ nhiều năm nên phụ huynh phải bấm bụng dành dụm khoản tiền “xuân thu nhị kỳ” nộp cho quỹ trường, quỹ lớp. Không ai có ý kiến bởi vì ngại, hoặc lo lắng con mình bị ảnh hưởng. Khi đang lấy xe để ra về, chị Thu, một phụ huynh trong lớp, làm công nhân may tại một xí nghiệp may tư nhân trên đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu có con học cùng lớp với con tôi, ngại ngùng chia sẻ: “Cô ơi tôi chưa biết lấy tiền đâu để đóng quỹ, mấy hôm nay mua sắm đồng phục, sách vở cho bé Hoa và anh của nó năm nay lên lớp 6 đã hết cả tháng lương rồi”. Tôi hỏi, “sao chị không nêu ý kiến?”. “Tôi ngại lắm, không ai nói gì mình tôi nói ngại lắm!”. Câu trả lời của chị Thu khiến tôi bối rối, hóa ra đâu phải mỗi mình chị, cả tôi và nhiều phụ huynh khác, lâu nay vì sự “ngại”, mà không dám lên tiếng để bày tỏ quan điểm, để minh bạch các khoản mà phụ huynh đáng lẽ ra không phải đóng.
Năm nào cũng vậy, ngoài các khoản chi phí bắt buộc phải mua sắm đầu năm như đồng phục, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế, học phí… thì các khoản quỹ luôn là nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh. Dù cơ quan quản lý ngành giáo dục có nhiều văn bản chấn chỉnh, quy định các khoản thu nhưng vấn đề này vẫn chưa được khắc phục. Có thể nói, lạm thu đang là căn bệnh trầm kha trong ngành giáo dục. Bởi vẫn có nhiều khoản như: Lắp điều hòa, rèm cửa, máy chiếu, phí chi trả cho lao công… do nhà trường không có kinh phí cần phụ huynh “chia sẻ”. Cho nên vẫn còn có những câu chuyện nghe rất buồn như vào đầu năm học 2018-2019 này, hiệu trưởng của Trường TH Nguyễn Văn Tố (TP. Hải Phòng) viết thư kêu gọi phụ huynh “tự nguyện đóng góp” để nhà trường bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập và sửa chữa cơ sở hạ tầng... với tổng số tiền lên đến hơn 970 triệu đồng. Trong khi đó, một phụ huynh Trường TH Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) cũng phản ánh, mỗi năm lớp 1 cần mua bàn ghế cho 45 cháu, bảng từ, máy chiếu, bàn ghế giáo viên, tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh, mỗi người đóng 1,3 triệu đồng! Tất nhiên, sau khi có ý kiến phụ huynh lên mạng xã hội, cơ quan quản lý vào cuộc thì các hiệu trưởng đã bị khiển trách, các khoản lạm thu trên cũng được chấn chỉnh.
Thế cho nên, để tình trạng lạm thu không còn núp dưới tên gọi “tự nguyện”, “thỏa thuận” hoặc “xã hội hóa”, cùng với sự quản lý, chỉ đạo quyết liệt của ngành chức năng, các phụ huynh hãy đừng “ngại” mà cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng lạm thu, kiên quyết không đóng góp các khoản thu ngoài quy định, từ đó mới có thể tạo ra môi trường dân chủ, công khai, minh bạch trong trường học, để tiền trường không còn là nỗi ám ảnh, là gánh nặng đầu năm học.
LAM GIANG