Nuôi dưỡng lòng nhân ái

Thứ Hai, 13/08/2018, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Chuẩn bị cho năm học mới, đầu tháng 8, Chi đoàn Cảnh sát điều tra 1 (Công an tỉnh) phối hợp với chị Minh Hiền (Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life, Văn phòng Vũng Tàu) vận động được 50 phần quà tặng HS nghèo ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Cùng lúc, nhóm Bếp ăn từ thiện Vũng Tàu mà chị Hiền là thành viên cũng tặng 150 suất quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin, khuyết tật, HS nghèo ở huyện Xuyên Mộc. Mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng, gồm những vật dụng thật ý nghĩa với HS như: Cặp, sách, tập (đối với HS xã Long Tân); tập, gạo, dầu ăn, nhu yếu phẩm (đối với trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin, khuyết tật, HS nghèo ở huyện Xuyên Mộc).

Đây là một trong những hoạt động thường xuyên được nhóm Bếp ăn từ thiện Vũng Tàu và chị Minh Hiền thực hiện trong 3 năm qua. Suốt 3 năm qua, vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, Bếp ăn từ thiện Vũng Tàu lại phát miễn phí khoảng 200 suất cháo cho người lao động nghèo, những cụ già neo đơn đang được nuôi dưỡng tại Giáo xứ Nam Đồng (TP.Vũng Tàu). Hay như mới đây, ngày 11-8, Trung tâm Tin học Trường Thịnh và Nhóm Thiện nguyện Vũng Tàu cũng đã thực hiện chương trình “phát cơm chay yêu thương lễ Vu Lan” với tổng cộng 500 phần (20.000 đồng/phần) cho người lao động nghèo trên địa bàn TP.Vũng Tàu…

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều cá nhân hoặc nhóm thiện nguyện đã chung sức cùng các tổ chức hội, đoàn thể, mặt trận các cấp trong hoạt động giúp đỡ người nghèo khó. Thông qua mạng xã hội facebook, nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp kinh phí để tặng sách giáo khoa, đồng phục, học bổng, xe đạp cho các em HS nghèo hay quà cho những người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn... Nhiều người/nhóm thiện nguyện sau khi đăng lời kêu gọi đã được cộng đồng hưởng ứng nhiệt tình, ủng hộ với sự tin tưởng tuyệt đối, dù có khi ngoài đời thực, người kêu gọi và người đóng góp chưa biết nhau. Thậm chí, nhiều người luôn đồng hành các hoạt động thiện nguyện nhưng nhất quyết xin giấu tên. 

Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nhưng nước ta vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, những hoạt động thiện nguyện, những phần quà giúp đỡ người khó khăn kể trên còn nhỏ so với nhu cầu thực tế. Điều đáng quý ở chỗ, giá trị vật chất của những suất quà, những bữa ăn tuy nhỏ, nhưng nó đã làm ấm lòng người được nhận; thể hiện rằng, xã hội thật tốt đẹp và những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn được cộng đồng quan tâm, sát cánh cùng họ. Đó là động lực, là niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã chứng minh, nhiều trường hợp khó khăn tưởng chừng như phải bỏ học, tương lai mờ mịt, thậm chí là mất mạng vì thiếu tiền chữa bệnh, nhưng nhờ những suất học bổng, những lời động viên, khích lệ và sự hỗ trợ của cộng đồng mà họ đã vượt qua, vươn lên trong cuộc sống và trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội.

Anh bạn là giám đốc một khu du lịch ở TP.Vũng Tàu nói với tôi với vẻ triết lý: “Hôm nay, tôi giúp bạn, không có nghĩa là tôi mong bạn sẽ giúp lại tôi. Nhưng tôi tin rằng, nếu tôi mở lòng với bạn, thì người khác sẽ mở lòng với tôi, bởi cho đi là còn mãi”. Còn chị Minh Hiền thì tâm sự: “Mỗi món quà tụi tôi mang tới người nghèo khó là sự gom góp của rất nhiều tấm lòng. Tụi tôi nâng niu mang những tấm lòng đó trao tới tay người cần. Nhìn các em HS và bà con vui sướng khi được nhận quà, niềm vui và sự xúc động trào dâng trong lòng tôi, lần nào cũng như nhau”.

Tháng Bảy âm lịch, theo đạo Phật là mùa Vu Lan - mùa báo hiếu với cha mẹ, ông bà. Nhưng Vu Lan còn là mùa “xá tội vong nhân”, với những hoạt động vì cộng đồng. Đáng mừng thay, ý nghĩa này ngày càng được mở rộng với nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng, chăm lo, tặng quà, giúp đỡ người nghèo khó. Nhưng, mùa Vu Lan sẽ càng ý nghĩa hơn khi những hoạt động thiện nguyện không chỉ được tổ chức rầm rộ trong tháng Bảy âm lịch mà được tổ chức thường xuyên, mọi lúc, để ngày càng có nhiều người được giúp đỡ và để lòng nhân ái được lan tỏa sâu rộng trong đời sống, qua đó xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

NGUYỄN ĐỨC

;
.