Bệnh nhân đau chân trái, mổ... chân phải, nữ sinh lớp 10 bị cưa nhầm chân, một bé gái 14 tuổi thiệt mạng vì cắt amiđan; Gây mê nhầm bệnh nhân, một người suýt tử vong; Có thai ngoài tử cung, chẩn đoán viêm dạ dày; Đang chạy thận, 18 bệnh nhân sốc phản vệ, 5 người tử vong… Đó là những tiêu đề về “tai nạn” và sự cố y khoa được báo chí liên tiếp đưa tin trong thời gian qua.
Không có gì ngạc nhiên khi những mẫu tin như thế khiến dư luận ngày càng quan tâm đến chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ tại các bệnh viện (BV) trong cả nước. Đơn giản vì những sự cố này liên quan đến sinh mạng và gây ra bức xúc cho gia đình các nạn nhân.
Sẽ không công bằng nếu cho rằng những tai nạn như thế chỉ xảy ra ở nước ta, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ngay cả ở những nước tiên tiến, có nền y tế hiện đại nhất thế giới như Mỹ cũng xảy ra những sự cố y khoa đáng tiếc. Một thống kê của bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư y khoa, Đại học New South Wales, Sydney (Úc) cho biết, khoảng 4% bệnh nhân được điều trị trong các BV Mỹ là nạn nhân của các sai lầm y khoa. Ở các BV Úc, Canada, châu Âu… sai lầm và tai nạn y khoa xảy ra dao động từ 7-17%.
Hậu quả của sai lầm y khoa là điều đáng lo ngại. Ở Mỹ, Úc và châu Âu, khoảng 13-16% sai lầm y khoa dẫn đến tử vong và 3% dẫn đến thương tật vĩnh viễn. Còn ở VN, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, nếu chấp nhập tỷ lệ tai nạn y tế là 7% như ở Mỹ, Úc, Canada và châu Âu thì với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng hơn 7 triệu người, ước tính mỗi năm có 493.500 bệnh nhân là nạn nhân bị “tai nạn” trong các BV.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa, gây thương tật hay tử vong cho người bệnh. Nhiều BV quá tải, chẩn đoán sai, điều trị không đúng với qui trình, tai nạn hay sự cố trong và sau phẫu thuật, cho thuốc sai liều lượng là những nguyên nhân phổ biến nhất.
Thông thường, khi tai nạn hay sự cố y khoa xảy ra, người ta tìm một “thủ phạm” để đổ lỗi. Đối với bệnh nhân và thân nhân của họ, việc tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố có thể làm họ hài lòng. Nhưng sự thật thì chẳng bác sĩ và nhân viên y tế nào muốn gây ra tai nạn. Ngoài một tỷ lệ nhỏ thuộc về y đức hoặc tay nghề của các y bác sĩ, nguyên nhân chính vẫn là hệ thống vận hành của bệnh viện: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phân phối thuốc, an toàn lâm sàng, hệ thống báo động...
Mỗi sự cố y khoa dù lớn dù nhỏ đều là nỗi đau của bệnh nhân và gia đình họ và cả với đội ngũ các thấy thuốc, trong đó có những sự cố để lại nỗi đau dai dẳng, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Vụ chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào cuối tháng 5-2017 khiến 8 người chết đã cho thấy điều đó. Cơ quan luật pháp đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng; Giám đốc BV đa khoa tỉnh bị cách chức, một bác sĩ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, nhiều bệnh nhân có nhu cầu chạy thận sợ, vội tìm đường lên BV tuyến trên…
Những con số trên đây không phải là những thống kê vô hồn, mà là một lời cảnh tỉnh, đòi hỏi ngành y tế nỗ lực làm giảm, ngăn ngừa tai biến y khoa để thực hiện phương châm và cũng là nguyên tắc số 1 của ngành y là không hại người. Đáng mừng là những năm gần đây, nhiều BV đã có chuyển biến mạnh về quan điểm và nhận thức, từ tâm lý xin - cho, ban ơn sang phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Việc chấm điểm BV qua cách ứng xử với bệnh nhân hoặc Cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động được các BV hưởng ứng mạnh mẽ là một minh chứng. Nhiều BV đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chấn chỉnh phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế qua đó giảm được nhiều phiền hà, được người dân đánh giá cao. Nhưng sẽ chính xác và khách quan hơn nếu như ngành y tiến hành một cuộc tổng điều tra quy mô toàn quốc về chất lượng hoạt động hệ thống BV để so sánh các chỉ tiêu an toàn lâm sàng và đối chiếu chất lượng chăm sóc sức khoẻ giữa các tuyến BV, trên cơ sở đó có một giải pháp tổng thể nhằm ngăn ngừa các sự cố y khoa, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân trong việc khám và chữa bệnh.
HẢI LĂNG