Khẩu hiệu hay lối sống?

Thứ Tư, 15/08/2018, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.
Mặc dù có nhân viên của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu làm việc quét dọn đường phố mỗi ngày, nhưng cứ khoảng 5 giờ sáng là mọi người ở khu phố tôi mới dọn về lại vẫn cứ lục tục tưới cây, quét sân, dọn rác. Một vài bác hưu trí sẵn tay tưới cây lại còn dùng vòi xịt nước rửa đường “cho mát, bớt bụi bặm”. Con trai tôi hôm đầu hơi ngạc nhiên, nhưng vài hôm sau cũng mang chổi ra quét quét, mang vòi ra tưới tưới, lại còn hát vang - “Em trồng giàn bông trước cửa nhà em...”.

Hàng xóm đối diện nhà tôi đang sửa chữa lớn ngôi nhà đang ở, cũng phải tập kết khá nhiều cát, gạch, đá dăm và thải ra không ít xà bần. Mỗi chiều, anh chị lại cho xe tới gom dọn phế liệu, xúc xà bần, tìm nhặt từng cây đinh, từng mẩu gỗ thừa. Vậy nên nhà sửa gần 2 tuần nay mà khu vực làm nhà vẫn đường thông lề thoáng, không phiền đến xung quanh. Láng giềng vài người thỉnh thoảng ghé chơi, hỏi thăm mua gạch loại nào, xi măng giá bao nhiêu, kêu công thợ hay khoán… rất vui vẻ. 

Thật ra đây chỉ là những câu chuyện thường ngày, cũng không có gì phải kể ra cho tốn giấy mực. Nhưng câu chuyện thường ngày này dường như ngày một hiếm hoi khi mà việc giữ gìn vệ sinh chung, tạo dựng môi trường sống cộng đồng thân ái có phần bị coi nhẹ, lợt lạt. Nhất là ở vùng đô thị, mọi nhà có cổng nẻo kín đáo, có khuôn viên riêng thì gần như những gì ngoài cổng, ngoài hàng rào trở thành không liên quan tới mình. Trong nhà rất sạch nhưng bịch rác để ngoài rào không cột, vứt tung tóe rác bẩn. Một số nhà, nhất là các nhà cho thuê nhà trọ, kinh doanh homestay chỉ quan tâm đến việc đón đưa khách, bỏ lơ việc hướng dẫn khách trọ quy định an toàn, vệ sinh, giảm thiểu tiếng ồn. Sau một đợt khách, tại nhiều biệt thự cho thuê, nước rửa sân, rửa bàn ghế, nước súc xả hồ bơi đổ tràn ra đường. Các công trình xây, sửa nhà trong các tuyến đường nội bộ thì y như rằng, xe công nhân đậu kín lối đi. Nhiều nhà thậm chí còn dựng lán chứa vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, đường đi. Sau khi ngôi nhà mới khang trang mọc lên, tiệc tân gia tưng bừng thì phải đến cả tháng sau những ô rác vật liệu phế thải mới được thu dọn. Tại các cuộc họp, Ban điều hành khu phố cũng lên tiếng nhắc nhở, nhưng gần như mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn vì rất nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng là chính người trong cuộc chưa nhận thức đúng đắn về cách mà mình phải ứng xử văn minh với cộng đồng, với môi trường sống. 

Vẫn sẽ rất khó để thay đổi khi khắp nơi trên các tuyến đường của khu dân cư vẫn còn những chợ tạm, chợ cóc – mà đã có chợ là có xe đậu, có rác, có nước thải rửa cá rửa rau; vẫn còn cảnh lấn chiếm vỉa hè làm nơi đặt bàn ghế mua bán hàng ăn, giới thiệu hàng, phơi phóng khăn bàn, khăn tắm, áo gối, drap giường; vẫn còn những dòng khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, dịch vụ sửa điện nước, làm chìa khóa… dán đầy các trụ điện, các mảng tường những ngôi nhà vắng chủ. Cũng đã nhiều lần các khu phố, các phường, tổ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội tình nguyện các nhà trường hào hứng ra quân dọn dẹp vệ sinh phố phường, thu gom rác, vật liệu hư hỏng tạo thành những bãi rác lớn trong các khu đất trống, cạo sơn, gỡ giấy dán quảng cáo. Việc bài trí mua bán của các cửa hàng, quán ăn ở các tuyến phố chính cũng đã được chấn chỉnh, cảnh nhếch nhác, lấn chiếm giảm hẳn. Gần đây, thực hiện chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2018, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã đồng loạt tổng vệ sinh, tập trung xóa các điểm gây ô nhiễm do tồn đọng rác thải, nước thải. Một số địa phương còn tổ chức thu gom, vớt rác trên sông, kênh rạch... và tình hình vệ sinh các khu dân cư được cải thiện rõ rệt. 

Tuy nhiên, tất cả những việc làm như đã nêu mang tính chất tạm thời, phong trào, cứ đến hẹn lại lên và sau đó lại trở về điểm khởi đầu. Về mặt pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng, phải xử nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; không dễ dãi, cho qua các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm việc riêng; phạt thật nặng các chủ nhà, chủ công trình xây dựng để rơi vãi trong tập kết vật liệu, trong quá trình xây dựng và không khắc phục, trả lại không gian công cộng sạch đẹp sau khi hoàn thành công trình... Nhưng bản thân tôi, khi chứng kiến và nhập cuộc với nề nếp sinh hoạt của khu phố nơi tôi đang ở, tôi nghĩ rằng, phải thay đổi, chuyển biến ngay từ trong tư tưởng, trong cách nghĩ, cách làm, từ hành vi ứng xử. Học hỏi, bảo ban, nhắc nhở nhau khi câu chuyện nó đang mới hình thành một chiếc lá rơi, một thanh gỗ đặt không đúng chỗ.

Và những câu khẩu hiệu “Hãy giữ sạch phố phường”, “Vì một đô thị không có rác”, “Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi” sẽ không cần phải hô hào quanh năm suốt tháng khi ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường đã ăn sâu vào hành vi, lối sống, cách ứng xử của mỗi người chúng ta mỗi ngày với cộng đồng, với môi trường xung quanh. 

GIA AN

 

;
.