Chúng ta đang cảm nhận được rất gần âm vang giục giã của tiếng trống ngày khai trường năm học 2018-2019 giữa lúc những vấn nạn, khó khăn trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn chồng chất.
Những ngày này, dư luận cả nước vẫn chưa hết sững sờ về “sự cố” gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình dẫn đến một loạt cán bộ quản lý, cán bộ khảo thí ở 3 tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam. Nó như một “cơn bão” cuốn đi niềm tin của dư luận về sự công bằng, minh bạch trong giáo dục, về đạo đức của người thầy. Một mất mát không dễ hàn gắn trong một sớm một chiều!
Tình trạng giáo viên “thiếu mà thừa, thừa mà thiếu” vẫn còn là một bài toán khó của ngành giáo dục. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước hiện còn thiếu 34.641 giáo viên MN và 5.315 giáo viên TH nhưng lại thừa… 12.165 giáo viên THCS và 4.260 giáo viên THPT. Thật khó mà tìm cho được chừng ấy những “tay chèo” cho “con thuyền” giáo dục trong những ngày nước rút này! Tình trạng thiếu thốn trường lớp cũng là một nỗi lo lớn với nhiều địa phương, ngay với cả những tỉnh thành có nguồn lực kinh tế như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mặc dù là địa phương có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ và khang trang, chất lượng giáo dục đứng hàng đầu của tỉnh nhưng năm học này TP. Vũng Tàu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng căng thẳng. Trước sức ép của việc tăng dân số cơ học, TP. Vũng Tàu đã phải xác định lại tỷ lệ học sinh/lớp và định mức giáo viên/lớp, lên phương án sắp xếp, tổ chức và điều chỉnh quy mô trường, lớp phù hợp với biên chế được giao.
Năm học mới cũng đang đặt ra những thách thức mà muốn hoặc không muốn ngành giáo dục cũng phải trực diện giải quyết. Đó là tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp, đầu vào tuyển sinh sư phạm “chạm sàn”, nạn lạm thu tiền trường chưa dứt, đạo đức người thầy xuống cấp, bạo lực học đường gia tăng… Đặc biệt, những mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi “2 trong 1” cần được đưa ra phân tích khách quan để có sự điều chỉnh kịp thời. Trong khi đó, bức tranh giáo dục chung vẫn chưa thoát ra khỏi những bất cập cố hữu - trong đó bất cập lớn nhất là hệ thống giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Những tồn tại ấy đòi hỏi ngành giáo dục phải rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục thay cho những giải pháp mang tính giai đoạn, nhất thời.
Năm học mới 2018-2019 bắt đầu trong bối cảnh Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tái đề xuất miễn giảm học phí với THCS, bậc học phổ cập giáo dục bắt buộc, khi tiến hành sửa Luật Giáo dục. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND tỉnh cũng quyết định không tăng mức học phí đối với cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2018-2019 nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh; Chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các bậc học 2017-2018 được nâng cao; Công tác xây dựng xã hội học tập từng bước lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Đó còn là quyết tâm của ngành giáo dục và của toàn xã hội thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Tiếp tục cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Những thuận lợi đó là tiền đề và là cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục trong năm học mới 2018-2019 với mục tiêu bám sát những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29. Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những giải pháp khắc phục bệnh thành tích, gian dối trong thi cử, khắc phục nạn học sinh “ngồi nhầm lớp”, “mô hình trường đạt chuẩn quốc gia” hoặc tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ… là chưa đủ mà còn phải có tầm nhìn xa hơn với những giải pháp chiến lược phục vụ cho mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đó chính là đòi hỏi thực sự của năm học mới.
NGUYỄN TRIỆU HẢI