“Thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam kể từ cuối tháng 10-2017 lại nay đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn đối với kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang châu Âu của Việt Nam. Nếu như năm 2017, EU vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt gần 1,46 tỷ USD, thì đến cuối tháng 6-2018, xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ còn 584 triệu USD. Từ vị trí là khách hàng số 1 (năm 2017) thì ở thời điểm hiện tại EU đã rơi xuống thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc).
“Thẻ vàng” cảnh báo của EU đối với thủy sản của nước ta xuất phát từ lý do Việt Nam không kiên quyết trong việc chống tình trạng vi phạm IUU (truy xuất nguồn gốc thủy sản). Đưa ra 9 khuyến nghị trước đó và trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng sau 8 tháng cảnh báo, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam đối với việc thực hiện các giải pháp cảnh báo vi phạm IUU.
Nhưng vì sao sau khi kiểm tra thực địa, EC vẫn chưa thực hiện việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam? Mà còn gia hạn thêm thời gian đến tháng 1-2019 để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc thủy sản?
Từ thực tế đánh bắt và chế biến hải sản của nước ta cho thấy, vấn đề quan trọng khiến EC chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là do việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn tồn tại rất nhiều sai sót; công tác kiểm soát số lượng tàu cá ra vào các cảng còn nhiều bất cập. Hệ thống giám sát chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước hiện có gần 133.000 tàu cá, trong đó có khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhưng chỉ mới có khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh. Bên cạnh đó, ngư dân nước ta gần như chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác và chúng ta cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như những quy định bắt buộc đối với ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký khai thác để xác định tọa độ, ngư trường…
Từ nay đến tháng 1-2019 là thời gian không còn nhiều để ngành khai thác hải sản khắc phục những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ các cảnh báo vi phạm IUU của EU. Thừa nhận những khó khăn khi thực hiện các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 6 tháng không phải là thời gian đủ nhiều để chúng ta xoay chuyển tình thế từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững”. Hơn nữa, việc đầu tư các thiết bị định vị vệ tinh cho 133.000 tàu cá là vấn đề hoàn toàn không đơn giản.
Cùng chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay, là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành thủy sản nhằm mục tiêu giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới. Các địa phương, đơn vị cần chấn chỉnh công tác xác nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác, bảo đảm việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản phải truy xuất được hồ sơ đã lưu, hành trình khai báo trong sổ nhật ký khai thác phải khớp với dữ liệu hành trình của hệ thống giám sát tàu cá. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp và xử lý vụ việc giữa các lực lượng kiểm tra và kiểm soát trên biển. Có biện pháp xử lý quyết liệt đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình. Chủ động và tăng cường phổ biến pháp luật về IUU cho ngư dân, cán bộ và các tổ chức có liên quan đến hoạt động đánh bắt thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân chuyển đổi từ tập quán đánh bắt tự nhiên sang mô hình đánh bắt có trách nhiệm, ghi nhật ký khai thác theo quy định của pháp luật.
HOÀNG LÊ