Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện trở lại những sản phẩm mang thương hiệu vang bóng một thời như: Mì ăn liền Miliket, xá xị Chương Dương, kem đánh răng Dạ Lan, bông gòn Bạch Tuyết... Những sản phẩm này trước đây đã từng rất quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau, các DN nghiệp đã đánh mất thương hiệu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
Và bây giờ, trải qua biết bao nỗ lực, họ đã vực dậy DN, đưa sản phẩm của mình trở lại thị trường. Theo các chủ DN, gầy dựng tên tuổi cho một sản phẩm đã khó, đánh thức một thương hiệu đã bị mai một nhiều năm lại càng khó gấp vạn lần. Chính vì vậy, DN sợ nhất là sản phẩm của mình bị mang tai tiếng. Câu chuyện của 2 thương hiệu lớn: Cơm tấm Kiều Giang và chuỗi cửa hàng đồ dùng cho trẻ em Con Cưng gần đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng bởi vấn đề nêu trên. Không cần nói, hẳn ai cũng biết để chiếm được lòng tin của khách hàng, hai chủ DN trên đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thách thức. Thế nhưng, mọi thứ gần như đảo lộn từ cuộc khủng hoảng truyền thông xuất phát từ một thông tin do nhà chức trách công bố sau đợt kiểm tra mà chưa có kết luận cuối cùng. Nhìn lại quá khứ cũng đã từng xảy ra những cuộc khủng hoảng tương tự, chẳng hạn như vụ nước mắm truyền thống bị cho là có chứa chất asen gây ung thư vào năm 2016 đã từng khiến các cơ sở sản xuất nước mắm điêu đứng vì bị người tiêu dùng tẩy chay. Vụ này cũng xuất phát từ một sự cố truyền thông gây hoang mang trong dư luận.
Mọi thông tin trên báo chí đều xuất phát từ một hoặc nhiều nguồn thông tin. Mà thường thì thông tin được phát đi từ các cơ quan chức năng. Đặc biệt là thông tin công bố sai phạm của các DN là hết sức nhạy cảm, đòi hỏi cơ quan chức năng phải cân nhắc một cách thận trọng. Sau những vụ việc liên quan đến DN liên tục xảy ra, dư luận đòi hỏi cần phải có quy chế thống nhất về việc công bố thông tin sai phạm liên quan tới các DN. Khi nào được phép công bố và sai phạm ở mức độ nào thì buộc phải công bố và công bố trên các phương tiện truyền thông nào. Đó là vấn đề cần được thống nhất nhằm bảo vệ quyền lợi cho DN và cả uy tín của cơ quan thực thi nhiệm vụ.
Phía các cơ quan truyền thông cũng cần hết sức khách quan, công tâm và thận trọng khi đưa tin liên quan đến DN nói chung và sản phẩm của DN nói riêng. Đôi khi chỉ một câu, một từ cũng gây ra hoang mang, lo sợ trong tâm lý người tiêu dùng, thậm chí có thể dẫn đến sự hiểu lầm mà hậu quả của nó rất khó lường. Do vậy, các cơ quan báo chí cần cân nhắc, đo lường thật thấu đáo và chịu trách nhiệm đến cùng với những thông tin đưa ra. Đặc biệt, ở thời đại công nghệ 4.0, một mẩu tin, một bài báo có thể đưa đến vinh quang, nhưng cũng có thể giết chết một thương hiệu trong giây lát.
Để bảo vệ và phát triển một thương hiệu trách nhiệm chính đương nhiên phải thuộc về DN. Một DN làm ăn chân chính, luôn tôn trọng sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì sản phẩm mới có sức sống trường tồn. Vàng thật không sợ lửa, cây ngay không sợ chết đứng. DN không làm gì sai phạm thì trước sau cũng sẽ được minh oan và không ai khác hơn chính người tiêu dùng sẽ lên tiếng bảo vệ uy tín cho DN. Chỉ sợ những kiểu làm ăn mập mờ, gian dối, đánh lận con đen, đến khi bị kiểm tra thì tìm cách chạy chọt, đối phó. Những DN dạng này càng phải được lên án mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa làm trong sạch thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
LAM PHƯƠNG