Theo Bộ LĐTBXH, cả nước có hơn 9 triệu người có công (NCC) với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 ngàn thương binh, 110 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến…
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng. Đặc biệt, cứ vào tháng 7 hàng năm, cả nước lại tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7. Ngoài các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” do Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức; các doanh nghiệp, cá nhân cũng thường xuyên quan tâm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ở mọi thời điểm, bằng nhiều việc làm thiết thực: trợ cấp, phụng dưỡng, chăm sóc, thăm hỏi, động viên, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho NCC và thân nhân; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để NCC với cách mạng và gia đình phát triển kinh tế. Những việc làm đó đã góp phần giúp cho đời sống của NCC với cách mạng và thân nhân không ngừng được cải thiện.
Tại BR-VT, toàn tỉnh có hơn 36 ngàn NCC và thân nhân được hưởng các chính sách của nhà nước. Cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh BR-VT luôn quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách chăm lo NCC với cách mạng bằng những việc làm thiết thực bên cạnh các chính sách chung của Trung ương: hỗ trợ NCC; trợ cấp cho thương, bệnh binh nặng và các đối tượng chính sách; miễn giảm tiền sử dụng đất; hỗ trợ các hộ gia đình NCC với cách mạng vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Nhờ đó, hiện nay, 99,45% gia đình NCC trên địa bàn tỉnh có mức sống trung bình trở lên so với nhân dân nơi cư trú.
Điều đáng mừng là NCC và thân nhân, thương binh, bệnh binh đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương, bệnh binh, cựu chiến binh đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều tấm gương gia đình thương, bệnh binh, NCC, cựu chiến binh không chỉ có kinh tế ổn định, xây dựng được cơ ngơi khang trang, mà còn trở thành những chủ doanh nghiệp mạnh với số vốn hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng; đồng thời đóng góp cho các hoạt động từ thiện-xã hội, giúp đỡ đồng đội, đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Nhiều thương, bệnh binh, cựu chiến binh và NCC tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; là những tấm gương sáng, mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhưng thực tế vẫn còn nhiều NCC và thân nhân đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì nhiều lý do: thương tích nặng lại hay tái phát, tuổi cao, sức yếu, mất khả năng lao động… Hơn ai hết, mọi NCC và thân nhân đều xứng đáng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chăm lo của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Những ngày tháng bảy này, các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng đang diễn ra sôi nổi trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng như những ngày hội - ngày hội “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Nhưng, chúng ta không chỉ nhớ đến những NCC với cách mạng và thân nhân của họ trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm mà hãy thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ở mọi lúc, mọi nơi. Cộng đồng xã hội cần tiếp tục chung tay chăm sóc NCC với cách mạng và thân nhân của họ như công việc thường ngày, để mọi gia đình NCC với cách mạng có mức sống từ bằng và khá hơn mức sống của người dân tại địa phương. Đó cũng là cách để giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn và nhớ về nguồn cội cho các thế hệ trẻ trước sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha anh vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
NGUYỄN ĐỨC