Lối thoát nào cho cử nhân thất nghiệp?

Chủ Nhật, 22/07/2018, 16:40 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tính tới quý 4-2017 cả nước có 215,3 ngàn người có trình độ đại học (ĐH) trở lên bị thất nghiệp. Nhóm trình độ cao đẳng (CĐ) có 78,8 ngàn người thất nghiệp, giảm 6 ngàn người so với quý 3-2017. Tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm xuống còn 4,32% nhưng vẫn ở mức cao nhất so với các nhóm lao động khác. Thực trạng trên đòi hỏi các bộ, ngành chức năng nhanh chóng có giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho số cử nhân (CN) thất nghiệp để khỏi phải lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. 

Trong bối cảnh đó, việc Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) xây dựng đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 là một tin vui. Theo đề án, hơn 54.000 lao động tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC chưa tìm được việc có nhu cầu sẽ được đưa đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt, như: Kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, điều dưỡng, hộ lý…, từ đó giảm áp lực nguồn cung việc làm từ trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường. 

Mặc dù không ít chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của đề án, cho rằng mục tiêu đề án quá tham vọng trong khi yêu cầu tiếp nhận lao động ở các nước rất khắt khe nhưng dư luận cho rằng nếu quyết tâm theo đuổi, nghiêm túc triển khai với các cơ chế chính sách hỗ trợ toàn diện thì đây sẽ là “kênh” giải quyết việc làm đáng kể cho người lao động nước ta, trong đó có nhiều CN thất nghiệp. 

Do không tìm được việc làm sau khi ra trường, nhiều CN đã chấp nhận làm những việc ngoài ý muốn để mưu sinh. Các trí thức trẻ của chúng ta chưa hẳn đã rơi vào bế tắc hoàn toàn nếu các bộ, ngành chức năng thực sự quan tâm đến nhu cầu, ước mơ của họ. Việc Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài là một ví dụ. 

Đưa các trí thức trẻ về các xã, phường tham gia chính quyền cơ sở cũng có thể coi là một “kênh” giải quyết việc làm có hiệu quả cho CN thất nghiệp. Hiện nay, nhiều xã, phường trong cả nước đang thiếu cán bộ, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, tư pháp… Nếu “cánh cửa” này được mở rộng, tin chắc sẽ có không ít CN… tìm đến “đầu quân”. Cách làm này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở mà về lâu dài, còn cung cấp một đội ngũ cán bộ kế thừa có năng lực và phẩm chất. Nếu phác họa cho những trí thức trẻ thấy “con đường về làng” cũng là con đường lập thân lập nghiệp chứ không nhất thiết phải theo đuổi ngành học được đào tạo ban đầu, sau một vài năm kinh qua thực tế, nắm bắt thực tiễn, được chính quyền địa phương và người dân tin tưởng thì họ có thể đảm nhận những trọng trách cao hơn. Thực tế cho thấy không ít cán bộ xã, phường còn nhiều bất cập về trình độ, năng lực quản lý. Những cán bộ này làm việc theo theo kinh nghiệm và cảm tính, có lúc không dựa vào những quy định của luật pháp, đôi khi còn giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan nên hiệu quả chưa cao.  

Một nền hành chính kiến tạo, phục vụ và liêm chính không thể tồn tại mãi một cấp hành chính mà phần lớn là những cán bộ có cách hành xử cảm tính, nghiệp dư như thế. Vì nghiệp dư công việc thì nghiệp dư cả trách nhiệm mà nghiệp dư trách nhiệm thì khi giải quyết công việc cho dân thì chỉ làm khổ dân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực, chúng ta không thiếu hiền tài. Nhưng phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài, làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Muốn được như vậy, đội ngũ cán bộ xã, phường phải được bồi dưỡng thành cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tất nhiên quyền lợi của họ cũng phải rõ ràng và tương xứng. 

Xã hội sẽ rất đồng tình nếu công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất được bổ sung bằng những CN chưa tìm được việc làm ở các địa phương. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.