.

Tiếp thêm nghị lực cho người khuyết tật

Cập nhật: 16:44, 20/04/2025 (GMT+7)

Ngày 19/4, tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, hội thao Người khuyết tật tỉnh năm 2025 đã diễn ra trong không khí sôi nổi và đầy cảm xúc. Hội thao là dịp để người khuyết tật kết nối, chia sẻ, nỗ lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Anh Lê Khánh Hưng (bên trái), VĐV đến từ TP.Vũng Tàu dù thân hình nhỏ bé nhưng vẫn có niềm đam mê với cầu lông.
Anh Lê Khánh Hưng (bên trái), VĐV đến từ TP.Vũng Tàu dù thân hình nhỏ bé nhưng vẫn có niềm đam mê với cầu lông.

Tìm niềm vui trong thể thao

Từ sáng sớm, Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất đã rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của các VĐV.

Không ồn ào náo nhiệt như những giải đấu lớn, nhưng hội thao chan chứa sự ấm áp. Người ngồi xe lăn, người chống nạng, người di chuyển chậm rãi bằng đôi chân yếu ớt. Không ai giống ai về hoàn cảnh, nhưng tất cả đều giống nhau ở sự bình thản trong ánh mắt và nụ cười vui khi bắt tay nhau trước giờ thi đấu. Như thể họ hiểu rất rõ, chỉ cần có mặt ở đây thôi, đã là một chiến thắng rồi.

Các môn thi diễn ra nối tiếp nhau, mỗi VĐV đều cố gắng hết mình. Anh Lê Khánh Hưng, VĐV đến từ TP.Vũng Tàu thi đấu cầu lông. Nhìn dáng người nhỏ bé, ít ai ngờ anh đã ngoài bốn mươi. Cơ thể của anh dừng lại ở vóc dáng của một đứa trẻ 7-8 tuổi, nhưng đôi tay linh hoạt và ánh mắt đầy nghị lực.

Anh kể, trước đây đã có lúc anh rất ngại xuất hiện nơi đông người, sợ ánh nhìn ái ngại hay thương hại. Những buổi tập thể thao, những ngày hội như hôm nay đã giúp anh tự tin hơn, mở lòng hơn. “Tôi vui và háo hức lắm, vì được thi đấu, trò chuyện và chia sẻ. Thể thao giúp tôi khỏe hơn, vui hơn. Mà quan trọng nhất, tôi thấy mình vẫn còn giá trị và vẫn có thể sống ý nghĩa”, anh Hưng nói.

Bà Thạch Thị Lâm, 75 tuổi, thương binh 1/4 tham gia phần thi đua xe lăn và đã giành giải Nhất. Không quá bận tâm đến kết quả, bà vui vì mình vẫn còn đủ sức để góp mặt, để hòa vào niềm vui chung. “Tôi tham gia hội thao là để biết mình còn làm được gì. Hội thao cũng là dịp để gặp bạn bè, nói cười vài câu, thấy lòng vui và ấm áp. Tôi mong hội thao tiếp tục được duy trì, để những người khuyết tật, thương binh, dù già hay trẻ, vẫn có nơi để vui, để gắn bó, để sống trọn vẹn hơn”, bà Lâm chia sẻ.

Kết nối cộng đồng

Theo ông Hoàng Văn Tài, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh, không ít người trong số họ từng sống thu mình, lặng lẽ bên lề xã hội. Nhưng khi có cơ hội tham gia sân chơi dành riêng cho mình, họ đã tìm lại được niềm tin, sự tự tin và tinh thần tích cực. Thể thao trở thành nhịp cầu nối, rèn luyện thể chất và giúp họ gắn kết, mở lòng và từng bước hòa nhập cộng đồng một cách tự nhiên, không gượng ép.

Với ông Tài, mỗi hoạt động như thế không dừng lại ở một buổi thi đấu, mà là sự khởi đầu cho một phong trào, một nhận thức mới về vai trò của người khuyết tật trong xã hội. Họ không chỉ cần được chăm sóc, mà cũng rất cần được tin tưởng và tạo điều kiện để phát huy năng lực bản thân.

Hội thao do Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao tỉnh phối hợp cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức, quy tụ gần 100 VĐV là người khuyết tật, thương binh đến từ 7 đơn vị trong toàn tỉnh. Các nội thi đấu: đua xe lăn, đua xe lắc, bóng bàn, cầu lông, boccia, cờ tướng và cờ vua.

Ông Nguyễn An Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao tỉnh nhìn nhận, hội thao là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình đưa thể thao đến gần hơn với người khuyết tật. Mỗi VĐV tham gia ngoài đại diện cho một địa phương, đơn vị, còn mang theo những câu chuyện riêng về nghị lực, niềm tin và hành trình vượt qua giới hạn của bản thân.

Ông Thái mong muốn tiếp tục duy trì giải thể thao thường niên dành cho người khuyết tật, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi tổ chức, để người khuyết tật có điều kiện luyện tập thường xuyên, gặp gỡ bạn bè và quan trọng hơn cả là có thêm cơ hội sống một cuộc đời trọn vẹn, không bị tách biệt hay lãng quên.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.