.
PREMIER LEAGUE

Kỳ chuyển nhượng với nhiều chỉ trích

Cập nhật: 17:28, 04/09/2022 (GMT+7)

Các nghị sĩ ở Anh cho rằng, những câu lạc bộ tại Premier League chi tiêu lớn ở thị trường chuyển nhượng mùa hè 2022 nên cảm thấy “xấu hổ về bản thân”, khi bỏ ra 2 tỷ bảng Anh giữa lúc lạm phát đang đẩy giá cả tiêu dùng, sinh hoạt tăng cao.

Chelsea đã chi tiêu nhiều nhất so với bất kỳ câu lạc bộ nào ở châu Âu.
Chelsea đã chi tiêu nhiều nhất so với bất kỳ câu lạc bộ nào ở châu Âu.

Premier League đã phá kỷ lục chuyển nhượng khi chi số tiền nhiều nhất cho việc mua sắm cầu thủ mới trong mùa hè vừa qua. Được thúc đẩy bởi các chủ sở hữu mới muốn ghi dấu ấn, các giao dịch truyền hình và khao khát tham gia đấu trường Champions League, hoặc đơn giản chỉ là để tồn tại ở giải đấu hàng đầu, các câu lạc bộ đã chi tiêu tổng cộng 2 tỷ bảng Anh, vượt xa mức kỷ lục 1,45 triệu bảng được thiết lập vào năm 2017.

Sự vung tay của các đội bóng hàng đầu đã khiến người hâm mộ và cả các chính trị gia ở Anh kinh hoàng. Trong khi phần lớn người hâm mộ yêu cầu những bản hợp đồng mới và chiêu mộ những cầu thủ tốt nhất hiện có trong mỗi kỳ chuyển nhượng, một số người tin rằng, vòng quay bóng đá kiếm tiền đã đi quá xa. Nhiều người đã lên mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, cho rằng sự chi tiêu của Ngoại hạng Anh là “quá mức” và “đáng ghê tởm” vào thời điểm đất nước đang thắt chặt chi tiêu khi đối mặt với hóa đơn lương thực và năng lượng tăng cao.

Nghị sĩ Clive Efford, fan của CLB Millwall và là người giữ vé cả mùa giải, nói với Sportsmail: “Khi điều này xảy ra trong cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, lạm phát lương thực và năng lượng, chi phí tăng cao, nó càng nhấn mạnh sự điên rồ của bóng đá. Các câu lạc bộ nên nhìn lại chính mình một cách kỹ lưỡng. Họ nên cảm thấy xấu hổ ngày hôm nay. Họ nên đóng góp một cái gì đó. Họ không thể ngồi đó và chỉ nói rằng, chúng tôi là doanh nghiệp quốc tế và chĩa mũi dùi vào mọi người. Nó được thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của những cộng đồng đã duy trì các câu lạc bộ qua nhiều thế hệ. Họ nên xem lại”.

Chelsea chi tiêu nhiều nhất so với bất kỳ câu lạc bộ nào ở châu Âu. Todd Boehly, chủ sở hữu mới người Mỹ, đảm nhận vai trò giám đốc thể thao tạm thời trong thời kỳ hậu Roman Abramovich, đã “hành động như một đứa trẻ trong cửa hàng kẹo ngọt” khi tiêu đến 258,5 triệu bảng để mua về 7 cầu thủ, theo cựu danh thủ Gary Neville.

Newcastle cũng có chủ sở hữu mới và họ đã chi 122 triệu bảng cho 4 cầu thủ, trong đó có tiền đạo Alexander Isak với giá kỷ lục câu lạc bộ là 60 triệu bảng. Doanh nhân người Hy Lạp Evangelos Marinakis cũng dốc hầu bao để đầu tư vào Nottingham Forest, sau khi đội này giành quyền lên chơi ở Premier League. Ông đã chi 160 triệu bảng để giúp Nottingham Forest mang về tổng cộng 21 cầu thủ mới.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận cho biết, các câu lạc bộ ở Premier League có lý lẽ của họ. Tổng chi tiêu tính theo tỷ lệ thu nhập mùa hè này chỉ hơn 30% so với năm 2017. Doanh thu đã giảm trong thời gian COVID-19, nhưng chúng đã tăng trở lại. Phần lớn thu nhập của các CLB hàng đầu được tạo ra từ các hợp đồng phát sóng của Premier League, được cố định trong 3 năm, cộng với doanh thu truyền hình và tiền thưởng từ các giải đấu châu Âu. Các hợp đồng truyền hình trong nước đã cán mốc 4,5 tỷ bảng Anh, trong khi các đài truyền hình quốc tế, đặc biệt ở Mỹ và Scandinavia đồng ý trả nhiều hơn, đưa doanh thu truyền hình lên 10 tỷ bảng Anh trong chu kỳ bản quyền 3 năm.

Hãng kiểm toán Deloitte ước tính, thu nhập sẽ đạt kỷ lục 6 tỷ bảng Anh trong năm nay, vượt qua mức trước đại dịch.

Chris Wood, Trợ lý Giám đốc của Sports Business Group tại Deloitte nói: “Những gì chúng tôi đã thấy là các câu lạc bộ ở Premier League đến với thị trường vào mùa hè này với sự tự tin thực sự. Tôi đoán là sự phấn khích được tạo bởi hoàn cảnh ở từng CLB, chẳng hạn như chủ sở hữu mới, nhưng cũng có thể được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiền bản quyền phát sóng”.

Song, ông Wood thừa nhận mức chi chuyển nhượng 2 tỷ bảng Anh vào thời điểm này là khó chịu. “Rõ ràng, những con số mà chúng tôi thấy, cho dù đó là phí chuyển nhượng, cho dù đó là lương của cầu thủ, đều gây chói tai trong thời điểm này”, ông nói.

Nghị sĩ Ian Mearns, Chủ tịch Nhóm ủng hộ bóng đá đề cập trực tiếp hơn. “Bóng đá cần được đưa trở lại mặt đất”, ông nói. Là một người ủng hộ nhiệt thành của Newcastle United, ông lo ngại về khả năng người hâm mộ kiếm được tiền mua vé khi chi phí tăng lên. “Nó đưa trận đấu vượt xa những gì mà đại đa số người hâm mộ bóng đá và những người dân bình thường thậm chí có thể mơ ước. Bạn đang nói về những cầu thủ kiếm được trong 1 năm nhiều hơn những gì mà rất nhiều người đang làm việc sẽ kiếm được trong suốt cuộc đời của họ. Đôi khi nhiều hơn một vài lần. Đây là một khía cạnh của bóng đá mà các cơ quan quản lý cần phải xem xét”.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến bóng đá và các đài truyền hình. Một số người ủng hộ dự đoán số lượng người đăng ký truy cập các trận đấu trực tiếp qua BT Sport, Sky và Amazon có thể giảm khi các hóa đơn khác được tăng lên. Một số câu lạc bộ có thể thấy số lượng khán giả tới sân giảm. Nếu tình trạng suy thoái kinh tế tiếp tục, doanh thu bán vé theo mùa có thể bị ảnh hưởng trong mùa giải tới.

THANH HẰNG

(Tổng hợp)

.
.
.