Bóng đá sẽ ra sao trong 5 năm tới?
Ủy ban hiệp hội bóng đá quốc tế IFAB và FIFA đang cân nhắc áp dụng một số thay đổi, cải cách trong luật bóng đá nhằm làm cho các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn và đây là một số thay đổi có thể diễn ra trong 5 năm tới.
Liệu thay ném biên bằng đá biên có khả thi? |
Đồng hồ đếm ngược
Thay vì mỗi trận đấu kéo dài 90 phút như từ khi luật bắt đầu được áp dụng vào năm 1863 thì Ủy ban hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB) dự kiến rút ngắn thời gian thi đấu xuống còn 60 phút/trận.
Ý định này bắt nguồn từ thực tế là thời gian bóng trong cuộc ở giải Ngoại hạng Anh vừa mùa qua chỉ đạt mức trung bình là 55,5 phút/trận, thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Ở các hạng đấu thấp hơn thì thời gian bóng trong cuộc còn ít hơn nữa.
Làm sao để cải thiện tình trạng này? IFAB và FIFA có thể cho sử dụng đồng hồ đếm ngược 30 phút mỗi hiệp. Mỗi khi phát sinh tình huống bóng ngoài cuộc thì đồng hồ đếm ngược sẽ tự động dừng.
Ý tưởng này cho phép IFAB và FIFA loại bỏ thời gian bóng “chết” khỏi thời gian thi đấu. Trước nay, tuy một trận đấu kéo dài 90 phút nhưng thời gian thi đấu thực tế của các đội chưa nổi 60 phút vì có quá nhiều thời gian bị lãng phí.
Các đội sử dụng nhiều chiêu thức câu giờ như thay người, cầu thủ cố tình rời sân chậm, các quả phát bóng lên, các quả ném biên, đá phạt hàng rào, phạt góc... tất cả đều có thể được các đội sử dụng như những tiểu xảo để kéo dài thời gian.
Đồng hồ đếm ngược không chỉ loại bỏ các tiểu xảo câu giờ của cầu thủ mà còn làm tăng thêm kịch tính cho các trận đấu. Điều đó có thể làm cho trận đấu trở nên cuốn hút hơn với những khán giả trẻ không có nhiều thời gian và đây là đối tượng được nhắm đến.
Mức độ khả thi: Có
Đá biên thay cho ném biên
Các chuyên gia tin rằng thay quả ném biên bằng quả đá biên sẽ tác động tới trận đấu nhiều hơn là việc rút ngắn thời gian thi đấu từ 90 phút xuống 60 phút.
Đây không phải là chuyện mới mẻ. FIFA từng thử nghiệm đá biên thay vì ném biên ở Bỉ, Hungary và ở Diadora League mùa 1994-1995. Thử nghiệm này không được chào đón và không được nhớ đến nhiều ở Đông Nam nước Anh.
Mark Lawford, phóng viên chuyên đưa tin về Horsham FC đã nhanh nhảu dự đoán chuyện gì xảy ra khi các đội thử nghiệm đá biên thay cho ném biên.
“Chẳng bao lâu nữa các đội sẽ tung ra sân 5 hậu vệ cao “7 foot” và 3 cầu thủ tấn công thậm chí còn cao hơn. Các thủ môn có thể sẽ phải cúi xuống để tránh đèn chiếu. Nhìn quả bóng được đá từ biên vào hết lần này đến lần khác chả có gì hay ho”.
Ở Anh có nhiều cầu thủ cầm bóng tốt nên việc đổi luật như vậy sẽ là thảm họa vì nó đưa người xem trở lại với thời kỳ “đồ đá” khi cầu thủ cao nhất ở các giải đấu trẻ mặc nhiên là cầu thủ giỏi nhất vì anh ta chiếm lợi thế trong các pha bóng bổng và không ngại đánh đầu phá bóng.
Năm 1994, các cầu thủ có thể lựa chọn đá biên hay ném biên. Nếu định đá biên, họ phải ra dấu với trọng tài bằng cách giơ tay lên và chờ trọng tài cho phép.
Lần này chắc chắn cũng cần những quy định tương tự. HLV Wenger cho rằng cần giới hạn thời gian trong vòng 5 giây còn nhiều người khác lại bàn về chuyện có thể thực hiện quả đá biên ở đâu.
Những chuyện đó chỉ nói lên khả năng thay quả ném biên bằng đá biên không khả thi vì nó khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Mức độ khả thi: Không
Đá phạt trực tiếp nhanh
Cải tiến này làm bóng đá hấp dẫn hơn. Nó không làm thay đổi bản chất của bóng đá mà làm cho bóng đá hấp dẫn hơn.
Dr Webb cho rằng nếu FIFA muốn giảm tình trạng câu giờ thì đây là một trong những cách khá đơn giản để cải thiện tình hình. “Nếu được tự đá phạt trực tiếp, các đội có thể chơi nhanh và họ không nhất thiết phải tập trung nhân sự trong vòng cấm đối phương. Đưa các cầu thủ cao lớn từ hàng thủ lên luôn gây mất thời gian”, Dr Webb nói.
Với kiểu đá phạt nhanh thì chỉ cần cầu thủ của đội được đá phạt nắm bắt được cơ hội là có thể thực hiện quả phạt luôn bằng cách sử dụng kỹ năng đá phạt của mình. Hãy tưởng tượng cầu thủ thực hiện pha tắc bóng thô bạo còn đang phàn nàn với trọng tài về pha bắt lỗi thì đối phương đã có thể nhanh chân đá phạt và ghi một bàn thắng đẳng cấp hay một hậu vệ kéo ngã tiền đạo đối phương và còn chưa kịp có có hội theo kèm đối thủ thì đội anh ta đã bị phá lưới. Những tình huống như thế chỉ làm cho trận đấu thêm hấp dẫn.
Đá phạt kiểu này sẽ làm cho trận đấu diễn ra nhanh hơn vì nó khiến các cầu thủ phạm lỗi không thể phản đối nhiều như trước. Các hậu vệ và tiền vệ hầu như không có cơ hội phản đối vì lo ngại họ đứng sai vị trí khi đối thủ đá phạt nhanh.
Các cầu thủ phòng ngự sẽ phải lập tức lùi xuống 5m nếu không họ có nguy cơ sẽ bị buộc phải rời sân trong một khoảng thời gian.
Mức độ khả thi: Có
Đá phạt góc nhanh
Thực hiện đá phạt góc nhanh cũng đã được đưa vào thử nghiệm. Những thử nghiệm này tỏ ra chưa hiệu quả nhưng các HLV chưa có nhiều thời gian để lên ý tưởng cho cầu thủ của mình. Nếu họ có thời gian chuẩn bị thì đá phạt góc kiểu này sẽ tạo nên những tình huống nguy hiểm.
Hãy lấy Man City làm ví dụ. Mùa trước họ được hưởng 316 quả phạt góc (nhiều nhất Ngoại hạng Anh). Họ gây nguy hiểm cho đối thủ bằng cách thực hiện những quả phạt góc ngắn. Có tới 1/3 số quả phạt góc được họ thực hiện theo cách này.
City tổ chức đá phạt bằng cách bố trí hai cầu thủ đứng gần nhanh để thực hiện quả phạt và bố trí thêm cầu thủ thứ 3 nhằm thay đổi góc chuyền, tạo cơ hội cho 3 cầu thủ tấn công của họ có thời gian để thoát khỏi đối thủ kèm người.
Man City, Liverpool, Chelsea là những đội thích tận dụng những khu vực dạng “nửa không gian” khi đá phạt góc. Đó là những khu vực “tưởng tượng” nằm ở các cạnh của vòng cấm. Đây là khu vực hoạt động ưa thích của những Jack Grealish, Mo Salah hay Reece James.
Với cách đá phạt góc này, họ biến những quả căng ngang thành những đường chuyển, khiến đối thủ không dám phạm lỗi và đưa bóng tới những vị trí nguy hiểm mà hậu vệ đối phương khó kiểm soát.
Mức độ khả thi: Có
XUÂN NGUYỄN
(Tổng hợp)