.

Tín hiệu vui từ các khán đài V-League

Cập nhật: 17:28, 10/03/2022 (GMT+7)

Gần 18.000 khán giả đã đến sân Lạch Tray ở vòng 3 V-League 2022. Trước đó, hơn 11.000 người hâm mộ đã náo nức vào sân Quy Nhơn ngày khai mạc. Khán đài ở thành Nam, thành Vinh cũng nóng dần lên sau mỗi vòng đấu. Những tín hiệu vui trong bối cảnh dịch dã hiện nay, tất nhiên cần thêm thời gian để các sân đều được hâm nóng.

Khán giả Hải Phòng là niềm tự hào của V-League.
Khán giả Hải Phòng là niềm tự hào của V-League.

Sân Lạch Tray trong ngày khoác tấm áo mới đã được người hâm mộ đất Cảng tô điểm thêm với không khí lễ hội. Hải Phòng đang dẫn đầu số lượng khán giả V-League sau 3 vòng đấu. Khi mặt cỏ được làm mới, cơ sở hạ tầng được cải tạo, cầu thủ chơi tận hiến, hẳn nhiên sẽ cuốn hút người xem vào sân. Nhìn hình ảnh những quả bóng bay rợp trời Lạch Tray, khán giả hát vang ca khúc “Bến cảng quê hương tôi”, mới thấy con tim người hâm mộ đất Cảng đã vui trở lại.

Cũng cần phải hy vọng rồi một ngày không xa khán giả lại sẽ vào sân. V-League cần phải tựa lưng vào khán đài để tồn tại. Sức sống đó trước hết phải được mỗi đội bóng, giới cầu thủ phải biết làm gì để không phụ lòng người hâm mộ. Khán giả đến sân ngoài yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu cống hiến, trung thực, chuyên môn cao, còn có nhu cầu để giải trí.

Hải Phòng sau chặng khởi đầu đã làm được điều đó. Sông Lam Nghệ An cũng thế, với diện mạo, sinh khí mới khi chất “Nghệ” đang được hồi sinh. Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An cùng người Nghệ ở phương Nam đang lên kế hoạch “phủ vàng” sân Thống Nhất khi đội bóng quê hương làm khách trước Sài Gòn FC. Thế mới thấy, bóng đá như sợi dây liên kết mọi người và khán giả chính là nguồn sống cho V-League.

Nên nhớ cuối năm 2018, V-League đã từng vinh dự nhận được giải vàng hạng mục “Giải đấu phát triển tốt nhất châu Á”. Hạng mục giải Bóng đá Phát triển tốt nhất trong năm (Best Developing Football League Of The Year By AFC) do AFC đề cử có 10 ứng cử viên, trong đó khu vực Đông Nam Á góp mặt 4 giải đấu gồm: V-League của Việt Nam, Liga 1 của Indonesia, PFL của Philippines và S-League của Singapore. Những đề cử còn lại bao gồm các giải League của Ấn Độ, Bhutan, Guam, Jordan, Kyrgyzstan và Tajikistan. V-League đã vượt qua 9 ứng cử viên và đoạt giải Vàng dành cho Giải đấu đang phát triển tốt nhất châu Á 2018.

Giải Bạc thuộc về giải vô địch quốc gia của Ấn Độ và giải Đồng thuộc về giải vô địch quốc gia của Indonesia. Phần thưởng thật bất ngờ, đã cổ vũ rất lớn cho những ai đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Lúc đó, Chủ tịch Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú trải lòng: “Ước mơ lớn nhất của tôi là cố gắng làm sao khán đài của các sân vận động được lấp đầy khán giả, chất lượng các giải đấu, sân bãi được nâng cao, hòa vào dòng chảy bóng đá chuyên nghiệp châu Á”. Đó không chỉ là tâm tư của mỗi mình ông Trần Anh Tú, còn cho cả những ai đang chung tay xây dựng, phát triển bóng đá nước nhà.

Từ đó đến nay, V-League không được giải nào nữa. Niềm vui bóng đá chủ yếu do đội tuyển quốc gia và U23 mang lại. Làm sao để V-League tăng trưởng chuyên môn, thu hút đông đảo khán giả, sánh vai với bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, không đơn giản chút nào.

Chặng khởi đầu V-League 2022 ít nhiều cũng mang lại một số đốm lửa nếu nhìn từ các khán đài. Nhu cầu, khát khao được xem thứ bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa vẫn luôn cháy bỏng trong lòng người hâm mộ. Những nhà tổ chức phải nhận thức sâu sắc điều đó, để biến thành hành động tương ứng. Lâu nay, ông Park và học trò đã biết cách đem lại niềm vui cho người hâm mộ. Trong khi V-League vẫn “lúc mờ, lúc tỏ”, thiếu phong độ.

Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã làm người hâm mộ bóng đá rất cuồng chân. Đấy là lợi thế nếu các đội bóng cùng VPF biết cách để hút “thượng đế” quan tâm giải quốc nội. Khi ngọn lửa hào hứng trên khán đài được nhen lên, chừng đó mới hy vọng V-League và hạng Nhất sống được.

TRẦN TUẤN

.
.
.